Trải qua quá trình chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng vũ trang, sau khi trở về cuộc sống đời thường nhiều cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nêu gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vượt qua con đường bê tông ngoằn ngoèo nằm cuối xã Văn Yên, huyện Đại Từ, trước mắt chúng tôi hiện ra một khu trang trại được đầu tư rất quy củ nằm sát dãy núi Tam Đảo. Đón chúng tôi, chủ nhà - CCB Lý Văn Thiệp nở nụ cười tươi tắn, thân thiện. Sau những lời chào hỏi, câu chuyện về người lính Cụ Hồ khiến tôi vô cùng cảm phục về tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế. Ông kể, năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, tôi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và đóng quân tại Đại đội 925, huyện Đại Từ. Đại đội của tôi được giao trọng trách chuyên đắp các ụ pháo và làm đường giao thông thủy lợi trong địa bàn huyện. Sau đó, tôi được điều động sang Tiểu đoàn 246 (Quân khu 1) để tập trung huấn luyện chiến thuật chuẩn bị vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Năm 1977, tôi về phục viên với mức thương tật 18%. Bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã, tham gia Ban Chấp hành Hội CCB xã, rồi làm Trưởng xóm Bậu suốt 3 khóa. Với suy nghĩ, chiến tranh gian khổ là thế mình còn không chùn bước, vậy phải làm gì để vợ con bớt khổ, tôi đã cùng gia đình tích cực tăng gia sản xuất để làm giàu từ chính đôi tay, khối óc của mình trên mảnh đất quê hương.
Nghĩ là làm, năm 2003, ông Thiệp đã mạnh dạn đầu tư đàn lợn nái 10 con để cho sinh sản. Mỗi năm, dư được chút tiền ông lại đầu tư thêm nhiều loại con giống mới, mở rộng diện tích chăn nuôi, nâng cấp chuồng trại và trồng thêm các loại cây ăn quả, đào ao thả cá và phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, gia đình ông đã có được cơ ngơi đồ sộ với tổng diện tích gần 21ha. Trong đó, có 3.000m2 làm trại gà, lợn; 7.000m2 đào ao thả cá; 1ha trồng cây ăn quả; 18ha trồng cây mỡ và keo các loại. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường tới 24.000 con gà, 15 tấn cá, 1.000 con lợn giống và khoảng 3.000 con lợn thịt. Phát huy lợi thế vườn, rừng, ông nuôi dê, lợn rừng, bò. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm doanh thu của gia đình ông lên tới gần 20 tỷ đồng. Trừ hết các khoản chi phí như thuê nhân công, tiền thức ăn, đầu tư chuồng trại… gia đình ông Thiệp thu được khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Mỗi năm, ông để một số tiền khoảng vài chục triệu đồng giúp đỡ các gia đình nghèo và ủng hộ các xóm, xã làm đường giao thông, cầu, cống… Trang trại của ông đã tạo điều kiện cho hàng chục lao động ở các gia đình khó khăn ở địa phương với mức lương ổn định từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.
CCB Lý Văn Thiệp là một trong rất nhiều tấm gương sáng về tính tự lực, tự cường vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia có hiệu quả vào phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Hội CCB tỉnh phát động.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, Hội CCB các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các CCB luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, tích cực đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp Hội đã khuyến khích hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Các cấp Hội cũng đã khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay. Tính đến thời điểm hiện nay, dư nợ mà Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hội viên CCB toàn tỉnh vay là gần 700 tỷ đồng...
Đúng như những gì mà đồng chí Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ. Trong tấm “bản đồ” các doanh nghiệp của tỉnh được đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo, phát triển bền vững phải nhắc đến những ông chủ là hội viên CCB. Theo báo cáo của Hội CCB tỉnh, Hội Doanh nhân CCB hiện có trên 100 hội viên làm chủ các doanh nghiệp, công ty, HTX. Đáng chú ý trong đó có gần 10 doanh nghiệp do CCB làm chủ đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm, số còn lại là các doanh nghiệp, HTX có doanh thu từ 5 đến 10 tỷ đồng trở lên/năm. Tỉ lệ doanh nhân CCB được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm chiếm trên 70%. Các CCB là chủ doanh nghiệp không những có tâm, có tài, mà còn đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế địa phương, được cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đánh giá cao. Các doanh nghiệp do CCB làm chủ đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là CCB, con em các gia đình chính sách. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến các doanh nhân: CCB Nguyễn Đức Cổn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cường Thịnh; CCB Nguyễn Đức Điểm, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Tân Phú T.P Thái Nguyên, thương binh hạng ¼; CCB Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc HTX Xây dựng vận tải Hà Thượng (Đại Từ); CCB Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành (T.P Thái Nguyên)…
Ngoài những tấm gương tiêu biểu nêu trên, trong tỉnh còn rất nhiều tấm gương CCB gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Họ là những “người lính Cụ Hồ” đã và đang tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, tiên phong trong các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, chiến đấu trên “mặt trận” kinh tế, tham gia xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.