Góp phần giữ nét văn hóa dân tộc Tày

11:58, 04/10/2019

Gần 20 năm nay, ông Ngô Trung Thành (68 tuổi), ở tổ 4, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) đã bỏ công nghiên cứu và làm mô hình nhà sàn của người dân tộc Tày ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… để giới thiệu đến bạn bè biết đến một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày ở Việt Nam.  

Chúng tôi đến nhà ông Ngô Trung Thành vào một ngày cuối tháng 9. Trong ngôi nhà thoáng rộng, chúng tôi thấy nhiều mô hình nhà sàn của người dân tộc Tày được xếp ngay ngắn trên chiếc sập ở giữa nhà. Chia sẻ về việc làm những mô hình nhà sàn này, ông Thành bộc bạch: Bố mẹ tôi là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định, lên khai hoang ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từ năm 1963. Tôi cũng lên theo và ở trên Bắc Kạn từ đó. Do vậy, tôi hiểu tiếng nói cũng như những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Tày, đặc biệt là cách làm nhà sàn của họ. Năm 1974, tôi làm ở Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và định cư tại Thái Nguyên. Khi gần về nghỉ chế độ, tôi đã ấp ủ ý tưởng làm mô hình nhà sàn của người dân tộc Tày. Đầu những năm 2000, tôi đã mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và làm mô hình những ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày ở các tỉnh, như: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Từ đó đến nay, việc làm mô hình nhà sàn đã trở thành niềm đam mê của tôi.

Tận mắt chứng kiến cách ông Thành tỉ mỉ vót từng thanh tre để ghép các chi tiết của ngôi nhà sàn, chúng tôi mới thấy niềm đam mê của ông lớn đến thế nào. Ông bảo, để làm được một mô hình nhà sàn ưng ý, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cao, cần từ 5-7 ngày (làm liên tục). Việc chọn lựa nguyên liệu để làm cũng khá kỳ công và mất thời gian. Ông thường vào một số xã phía Tây của T.P Thái Nguyên, như: Quyết Thắng, Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu… để tìm và chặt những cành tre già, sau đó mang về phơi khô. Khi phơi, ông vẫn để nguyên cả phần vỏ ngoài của tre để giữ độ bóng cho sản phẩm. Theo kinh nghiệm của ông Thành, việc chọn nguyên liệu là tre, cọ thường được lấy và phơi vào mùa Thu vì vào thời điểm này, sản phẩm sẽ ít bị mối mọt. Ông Thành cho biết: Lúc đầu, do chưa làm quen nên tôi phải làm đi làm lại nhiều lần. Sau này, việc làm mô hình nhà sàn thuận lợi hơn nhiều. Những chắn song cửa sổ, tôi dùng mũi khoan nhỏ, khoan cẩn thận thành từng lỗ để luồn chắn song đã được vót tròn qua, tạo thành những ô cửa sổ chắc chắn. Còn phần mái nhà, tôi đo, xếp từng nan mành cọ với nhau sao cho có độ dốc vừa phải rồi dán lại bằng keo 502, cuối cùng là bôi một lớp dầu bóng bên ngoài sản phẩm để giữ màu và chống mốc cho sản phẩm. 

Mặc dù không phải là người dân tộc Tày nhưng được lớn lên trên mảnh đất Bắc Kạn, được sinh hoạt cùng với những người dân nơi đây nên mọi nếp sống, ăn ở cũng như những nét kiến trúc độc đáo của nhà sàn ông Thành hiểu rất rõ. Dựa vào sự quan sát tinh tế cũng như có thời gian được làm nhà sàn cùng với người dân tộc Tày nên chỉ cần nhìn qua hình dáng của một ngôi nhà là ông Thành có thể làm một mô hình tương tự. Nhiều năm gắn bó với việc này nên đến giờ ông Thành không thể nhớ hết đã làm ra bao nhiêu mô hình nhà sàn, bởi cứ làm ra cái nào là người quen lại hỏi mua hoặc ông đem tặng cho bạn bè, người thân đến đó. Có người mua để trưng bày trong nhà, cũng có người mua để làm quà tặng. Cứ thế, mô hình nhà sàn của người dân tộc Tày tạo ra dưới đôi bàn tay khéo léo của ông Thành được nhiều người biết đến. Ông Phạm Trường Vinh, ở phường Nam Sơn, T.P Bắc Ninh cho hay: Tôi biết đến mô hình nhà sàn do ông Thành làm ra từ 20 năm về trước, khi tôi còn ở Thái Nguyên. Tôi thấy những mô hình này rất đẹp và thể hiện nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Tày ở Việt Nam nên đã mua về trưng bày trong nhà. Bạn bè tôi đều là những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào (từ năm 1972-1976) mỗi lần họp đồng ngũ đều đến nhà tôi, thấy đẹp nên đã nhờ tôi hỏi mua giúp về làm kỷ niệm và tặng bạn bè xa gần. Đến nay, nhiều người vẫn hỏi và nhờ tôi đặt ông Thành làm những mô hình này.