Tháng 10-2021 vừa qua, BSCKII. Lê Hùng Vương, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trở về sau nhiều tháng làm việc trong tâm dịch (cuối tháng 10), bác sĩ Vương đã quay lại với công việc thường nhật. Với anh, cứu chữa cho người bệnh chính là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc.
Không nghĩ cho mình, chỉ lo cho đồng nghiệp
Tháng 7-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh miền Nam, nhiều y, bác sĩ trong cả nước đã xung phong lên đường hỗ trợ tâm dịch. Vào thời điểm cam go ấy, đoàn cán bộ y tế đầu tiên của Thái Nguyên gồm 79 người, do bác sĩ Vương làm Trưởng đoàn đã lên đường hỗ trợ tâm dịch T.P Hồ Chí Minh.
Trò chuyện cùng anh, điều khiến chúng tôi cảm nhận được ở vị bác sĩ này là sự khiêm nhường và giản dị. Anh nói rất ít về mình và chỉ chia sẻ về những khó khăn, vất vả của các đồng nghiệp. Anh cho hay: Ở tâm dịch, các y, bác sĩ, điều dưỡng… đều vất cả như nhau. Ngày đầu tiên đặt chân đến T.P Hồ Chí Minh (13-7), 79 cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được Sở Y tế T.P Hồ Chí Minh điều động hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Gò Vấp - nơi điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch.
Ngày 14-7, chúng tôi đã sắp xếp vào làm việc ngay theo chế độ 3 ca, 4 kíp (ca đầu tiên từ 7-14 giờ, ca thứ 2 từ 14 đến 22 giờ; ca thứ 3 từ 22 giờ hôm trước đến sáng hôm sau; kíp thứ 4 là kíp nghỉ thì làm việc ở ca tiếp theo).
Nhìn các đồng nghiệp vất vả trong môi trường làm việc vô cùng khắc nghiệt, phải mặc đồ bảo hộ, không ăn, không uống, không đi vệ sinh trong suốt ca trực, tôi chỉ mong mọi người có thật nhiều sức khỏe để có thể trụ vững ở tâm dịch.
Hạnh phúc khi người bệnh xuất viện
Sau 1 tháng hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Gò Vấp, bác sĩ Vương được điều chuyển về Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An và kiêm nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm. Anh tâm sự: Vì là đơn vị tuyến cuối nên các bệnh nhân vào Trung tâm đều ở tình trạng nặng, nguy kịch. Phải chăm sóc bệnh nhân từ đầu cho đến khi xuất viện, không còn bệnh viện tuyến cao hơn để chuyển đi nên áp lực với cán bộ, y bác sĩ Trung tâm là rất lớn. Bởi vậy, tôi và các đồng nghiệp đã triển khai tất cả những kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu để điều trị và cấp cứu bệnh nhân.
BSCKII. Lê Hùng Vương (đứng ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng nghiệp hội chẩn điều trị cho bệnh nhận mắc COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (T.P Hồ Chí Minh). Ảnh: T.L
Những ngày ở tâm dịch, phải chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn càng thôi thúc bác sĩ Vương và các đồng nghiệp nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác điều trị. Chia sẻ với chúng tôi, ánh mắt anh sáng lên khi kể về những trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng lại rạng rỡ nụ cười khi xuất viện.
Anh bảo: Tôi nhớ nhất trường hợp của bệnh nhân P, ở xóm Cầu Xây, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, bị suy hô hấp, tổn thương phổi. Khi ấy, Trung tâm vừa đi vào hoạt động được vài ngày. Để "chạy đua với thời gian", chúng tôi cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, phối hợp thở oxy dòng cao (theo phác đồ của Bộ Y tế). Do đáp ứng điều trị khá tốt, đến ngày điều trị thứ 8, người bệnh đã cai được thở oxy dòng cao và tiếp tục thở oxy kính đến ngày thứ 10. Nhờ hồi phục tích cực nên sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình và các y, bác sĩ.
Hay như trường hợp bệnh nhân cuối cùng ở Trung tâm, tưởng như không qua khỏi nhưng đã hồi phục một cách kỳ diệu. Đó là chị N, 28 tuổi đến từ xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp tính, nhiễm SAR-CoV-2 biến chứng mức độ nguy kịch sau phẫu thuật lấy song thai 1 ngày. Với quyết tâm cứu người dù chỉ còn 1% hy vọng, các y, bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, sử dụng thuốc an thần giãn cơ, ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, chăm sóc đặc biệt, phục hồi chức năng... Sau hơn 2 tháng, bệnh nhân đã hồi phục… Đây là bệnh nhân đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo - lần đầu tiên được triển khai).
Với bác sĩ Vương, khi những bệnh nhân nặng được xuất viện chính là niềm vui và hạnh phúc của anh. Hơn 2 tháng ở Long An, bác sĩ Vương và các đồng nghiệp đã tiếp nhận 255 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch.Trong đó, nhiều ca được cứu sống, chuyển xuống tuyến dưới tiếp tục điều trị, 176 ca được xuất viện.
Cứu người là sứ mệnh
Trở về Thái Nguyên sau những ngày vất vả ở tâm dịch, bác sĩ Vương không cho phép mình nghỉ ngơi bởi anh biết, các bệnh nhân cần anh.
Trong vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), Phó Trưởng Bộ môn Nội (Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên), từ khi trở về đến nay, bác sĩ Vương đã đứng giảng 5 lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thực tế về chẩn đoán điều trị COVID-19, trong đó có 3 lớp tại Thái Nguyên, 1 lớp tại Bắc Kạn và 1 lớp ở Cao Bằng. Hằng ngày, anh vẫn trao đổi, hội chẩn, tư vấn chuyên môn với bác sĩ ở các bệnh viện điều trị COVID-19 của Thái Nguyên (đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép và Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên) và các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Long An qua điện thoại, zalo... Đặc biệt, anh vẫn định kỳ trao đổi về cách phục hồi sức khỏe sau COVID-19 với các bệnh nhân nặng đã được cứu sống, ra viện.
BSCKII. Lê Hùng Vương nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (ngày 18/10/2021).
Là lãnh đạo của một khoa chuyên môn, chuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch thuộc các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Truyền nhiễm… nhập viện hoặc từ các khoa khác chuyển đến; bệnh nhân ngộ độc; lọc máu chu kỳ và cấp cứu… dù chịu nhiều áp lực nhưng bác sĩ Vương vẫn luôn bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Anh bảo: Người thầy thuốc luôn có trái tim ấm để cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh nhưng phải dùng cái đầu lạnh để xử trí các tình huống trong quá trình điều trị ca bệnh phức tạp.
Có lẽ, chính môi trường khắc nghiệt ấy đã tôi luyện bác sĩ Vương trở thành một con người đầy bản lĩnh và ý chí, giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người “thủ lĩnh” khi dẫn đầu "đoàn quân"xung phong vào miền Nam “chiến đấu” với dịch COVID-19.
Khi giới truyền thông tung hô những cán bộ y tế trở về từ tâm dịch là “người hùng” thì bác sĩ Vương lại quan niệm, cứu người là sứ mệnh của người thầy thuốc. Vì thế, hỗ trợ tâm dịch là điều nên làm của các y, bác sĩ, chứ không có gì to tát cả. Với anh, vất vả, gian khó có thể qua đi, chỉ nụ cười rạng rỡ và sự hồi phục tích cực của người bệnh đã từng nằm ở ranh giới của “sự sống và cái chết” mới là điều đáng nhớ.