Bốn cây đa cổ thụ ở Phú Lương

15:53, 25/12/2017

Từ T.P Thái Nguyên theo Quốc lộ 3 lên hướng lên Bắc Kạn sẽ dễ dàng nhận ra trung tâm hành chính của huyện Phú Lương nhờ có bốn cây đa cổ thụ ngay cổng. Không ai biết chính xác những cây đa này có từ khi nào, nhưng từ lâu đây đã trở thành điểm mốc đánh dấu nhiều di tích trong lịch sử của huyện.

Ông Đinh Tiến Quang, 80 tuổi, nguyên là Chánh văn phòng Huyện ủy Phú Lương khẳng định: Khu vực trung tâm của huyện Phú Lương khá nhiều cây đa cổ thụ. Nhưng gắn với các sự kiện lịch sử nhiều nhất có lẽ là những cây nằm ở cổng trụ sở Huyện ủy, HĐND - UBND huyện bây giờ.

Theo nội dung ghi lại trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Lương và Lịch sử Đảng bộ thị trấn Đu, nơi này nằm gần cơ quan đồn trú của chính quyền thực dân Pháp và tay sai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngay gần bốn cây đa cổ thụ là đồn Đu với hàng chục lính Pháp. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính thay thế quân Pháp chiếm đóng ở Thái Nguyên. Chúng chiếm giữ những vị trí xung yếu ở Phú Lương là đồn Đu, Phấn Mễ và Giang Tiên. Quân Nhật lập ra Bảo an binh bằng cách sáp nhập lính khố xanh và lính cơ. Đồng thời tăng cường thêm một đội cơ động thường xuyên đi tuần dọc Quốc lộ 3. Các nhân chứng kể lại, có lần từ đồn Đu, Nhật cho hàng trăm quân và lính bảo an càn vào Phủ Lý để đánh sang vùng Định Hóa. Khi đến cánh đồng Cống Thâm, chúng lọt vào trận địa của quân tự vệ xã Động Đạt và Phủ Lý. Bị đánh bất ngờ, địch phải rút lui trở lại đồn Đu cố thủ. Đây là trận đánh thắng quân Nhật đầu tiên của dân quân du kích địa phương nên đã gây được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Nằm ngay trục chính của tuyến đường từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, từ lâu khu vực bốn cây đa đôi đã hình thành khu chợ tự phát. Đây là nơi trao đổi, giao lưu buôn bán của người dân địa phương. Đồng thời cũng là địa điểm thuận lợi để cách mạng bám rễ và phát triển. Những hạt nhân đầu tiên phong trào trên địa bàn huyện Phú Lương đã tiếp cận và  tăng cường vận động người dân buôn bán ở đây hiểu và đi theo cách mạng; bí mật tổ chức thành những tổ, nhóm hoạt động. Đến tháng 4-1945, được sự hỗ trợ của Đội Cứu quốc quân, tự vệ và dân quân dụ kích đã tổ chức phá kho thóc của Nhật ở đồn Đu và Phấn Mễ chia cho dân nghèo. Chính quyền cách mạng hình thành sau cao trào Cách mạng Tháng Tám, khu vực đồi Đu trở thành nơi ở và làm việc của một số cơ quan trong thời gian ngắn.

Đại diện Ban Tuyên giáo huyện Phú Lương và lãnh đạo thị trấn Đu cùng cho rằng: Tuy chưa có khẳng định chính xác và công nhận là di tích lịch sử nhưng khu vực bốn cây đa đôi gắn với những dấu mốc lịch sử của địa phương. Nó nằm ở vị trí trung tâm, rất gần với nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (năm 1946); nơi thành lập Sư đoàn 308 (còn gọi là Đại đoàn quân tiên phong) - đơn vị bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và sau này những cây đa gắn liền với trụ sở của Huyện ủy và UBND huyện Phú Lương. Tuy đã nhiều lần san gạt mặt bằng để thực hiện các công trình xây dựng nhưng chính quyền Phú Lương vẫn chú ý dành khoảng không gian để nhưng cây đa tỏa bóng quanh năm.