Giữ hương vị bánh chưng lá chít

Quỳnh Trang 18:18, 20/01/2023

“Đối với gia đình tôi, chiếc bánh chưng gói bằng lá chít không chỉ là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về mà còn là một nét văn hóa riêng có của người Phú Bình. Những điều quý giá đó được gia đình tôi gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đến nay, chúng tôi không chỉ duy trì việc gói bánh vào những dịp lễ, Tết mà còn phát triển thành một nghề truyền thống của gia đình, với mong muốn đưa hương vị bánh chưng lá chít bay xa, được nhiều người biết đến...” -  Đó là chia sẻ của vợ chồng ông Dương Viết Hiền và bà Dương Thị Xoe, ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình).

Để chủ động nguồn lá chít gói bánh chưng, gia đình ông Hiền dành hơn 700m2 đất trồng cây chít.
Lá chít sau khi hái về sẽ được cắt 2 đầu, trần qua nước sôi để lá được dẻo và không bị rách khi rửa lá, gói bánh.
Gạo nếp Nhật, gạo nếp Thầu Dầu và đỗ xanh, hạt tiêu là những nguyên liệu được bà Xoe tuyển chọn để làm nên chiếc bánh chưng lá chít thơm ngon.
Mỗi chiếc bánh chưng lá chít cần khoảng 500gam gạo, gần 200gam đỗ và một dải thịt lợn nhiều mỡ.
Gia đình bà Xoe gìn giữ nghề gói bánh chưng lá chít đến nay đã hơn 30 năm.
Rửa bánh là khâu không thể thiếu trong quá trình làm bánh chưng lá chít. Bánh sau khi đun sôi khoảng 1 tiếng sẽ được vớt ra rửa bằng nước lạnh và cho vào nồi nước mới đun tiếp khoảng 4 tiếng đến khi chín.
Đập bánh, lăn bánh sau khi luộc sẽ giúp chiếc bánh chưng được rền và ngon hơn.
Trung bình mỗi dịp Tết đến, gia đình bà Xoe cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chiếc bánh chưng lá chít, với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/chiếc.
Bánh chưng gói bằng lá chít đạt yêu cầu phải có màu trắng muốt, thơm ngon.