Một mùa Xuân mới đã hiện diện trên dải đất hình chữ S. Ngày xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị của xuân. Nói đến trà Việt, người ta nghĩ ngay đến trà Thái. Chẳng biết từ bao giờ, giới sành trà cả nước đã suy tôn trà Tân Cương Thái Nguyên là “Đệ nhất danh trà”. Cây chè đã gắn bó với cuộc sống của người dân xứ Thái bao đời nay và mang lại giá trị kinh tế cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng đất nửa đồng, nửa núi.
Nhấp chén trà thơm giữa mùa Xuân mới, lại mềm lòng nhớ về khúc quanh lịch sử vùng chè của cha ông. Cây chè trên đất Thái Nguyên chứa đựng trong nó biết bao câu chuyện, có chuyện như huyền thoại hoặc rất đời thường, có buồn có vui.
Nếu bất chợt hỏi một người dân Thái Nguyên rằng cây chè trên đất Thái có tự năm nào thì có lẽ câu trả lời sẽ là không không nhớ chính xác tháng, năm, nhưng đã là người xứ Trà thì đều nằm lòng rằng, cây chè đầu tiên của Thái Nguyên có nguồn gốc từ Phú Thọ, được một người dân của xã Tân Cương tên là Đội Năm - sau này được tôn là ông Tổ của vùng chè Tân Cương mang về trồng.
Cũng từ cây chè của cụ Đội Năm trên vùng đất Tân Cương, theo thời gian và tay người đã được nhân ra nhiều vùng trong tỉnh. Cây chè tính từ khi cụ Đội Năm mang về đến nay đã hơn trăm tuổi. Nếu có cỗ máy thời gian để ngược dòng lịch sử, hẳn nhiều người Thái Nguyên ở tuổi xưa nay hiếm sẽ không quên cái thuở ban đầu của cây chè.
Giai đoạn sơ khai, cây chè hiện diện trên các nương đồi, trong vườn nhà dân, nhưng không đủ sức nuôi người. Bởi thế, nông dân vùng chè, dù là ở vùng chè Tân Cương hay các vùng chè khác chỉ coi cây chè là cây trồng phụ trợ trong phát triển kinh tế, người dân vùng chè vẫn sống bằng lúa, ngô, khoai, sắn.
Lịch sử ngành chè Thái Nguyên ghi nhận: Năm 1925, cụ Đội Năm xây dựng xưởng chế biến chè, đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc ba kỳ trong cả nước. Trà Tân Cương được giới thưởng trà biết đến đầu tiên cùng tên Cánh Hạc - đặc sản Thái Nguyên bày bán ở Hà Thành. Năm 1935, tại cuộc đấu xảo ở Hà Thành, trà Cánh hạc Tân Cương đoạt giải Nhất, giới sành chè trong nước, thế giới từ đó mà biết đến chè Tân Cương. Cụ Đội Năm được các thương gia Ấn Độ lúc bấy giờ đặt mua hàng chục tấn mỗi năm.
Nổi tiếng với chè Cánh Hạc từ ngày đó, nhưng chẳng thể một sớm một chiều cây chè đã lên hương. Phải trải qua bao thăng trầm của thời gian, công lao của bao thế hệ nông dân ăn cùng chè, ngủ cùng chè, những trải nghiệm thất bại rồi thành công, cây chè mới trở thành cây kinh tế mũi nhọn, có mặt trên thị trường cả nước, ra nước ngoài như những năm gần đây.
Thái Nguyên giờ là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 héc-ta chè. Toàn tỉnh có khoảng 22,5 nghìn héc- ta chè, trong đó, chè giống mới chiếm 80% diện tích.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng chè Thái không ngừng tăng lên, hiện nay, năng suất chè toàn tỉnh đạt 123,8 tạ búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến đạt khoảng 50 nghìn tấn.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chè chuyên canh, cho thu nhập từ 280 đến 500 triệu đồng/ha/năm, như: Vùng chè Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên); vùng chè La Bằng, Tân Linh (Đại Từ); vùng chè Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Nhờ chè, đời sống của người nông dân được cải thiện, nâng cao. Nhờ chè, bộ mặt nông thôn ở các địa phương khởi sắc.
Người trong cả nước biết đến chè Thái thì nhu cầu đến Thái Nguyên để tận mắt ngắm những nương chè ngày càng nhiều. Tới các vùng chè, du khách được giới thiệu về lịch sử cây chè; được trực tiếp tìm hiểu, tham gia vào quy trình sản xuất, tạo thành phẩm và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Cũng vì thế, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam bắt đầu được tổ chức tại Thái Nguyên từ năm 2011, với những hoạt động văn hóa hấp dẫn và mang tính cộng đồng. Festival Trà đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của trà Thái; thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Đến nay, qua 3 kỳ tổ chức, Festival Trà được đánh giá là một lễ hội ấn tượng thu hút khách gần xa. Ở đó, những người nông dân hiếu khách tự hào với hoạt động sản xuất, chế biến chè gắn với đời sống từ trăm năm nay; hãnh diện mời bạn bè và du khách thưởng thức các sản phẩm trà thơm ngon, đậm đà đã nổi danh khắp trong và ngoài nước; giới thiệu những giá trị của văn hoá Trà Việt với đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế.
Vậy là, cây chè bền bỉ bám rễ hơn 100 năm trên đất Thái giờ đã trở thành thương hiệu “xứ Trà”, chứa đựng trong nó cả giá trị kinh tế và văn hóa. Bất chợt tôi liên tưởng đến biệt danh "xứ Cảng thơm" của Hồng Kông. Sở dĩ Hồng Kông có biệt danh là "xứ Cảng thơm" bởi Hông Kông vừa là cảng biển vừa là nơi xuất khẩu trầm hương và làm ra những cây nhang từ gỗ trầm hương có giá tới 60.000 USD. Thuật ngữ này được các thuyền nhân sử dụng, nhưng được người Anh lấy làm tên gọi cho toàn bộ khu vực.
Còn xứ Trà hẳn là nơi xuất khẩu trà và cũng là nơi đưa thức uống trà lên tầm cao mới: Văn hóa trà. Bởi thế mới có Không gian văn hoá Trà Tân Cương, nơi in dấu trăm năm trà Thái đang ngày càng thu hút khách gần xa. Và, gần đây nhất, trong khi đất trời còn nồng nàn hơi xuân, Lễ hội Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương Xuân Quý Mão 2023 đã được tổ chức tại vùng chè Tân Cương để cùng tôn vinh người làm chè và cây chè xứ Thái.
Bên chén trà đầu Xuân, nhìn sâu và đáy chén, thấy sóng sánh một dòng thời gian với những thăng trầm của cây chè. Xoay chén trà nóng hổi trên tay, chợt tự hào mình là con dân xứ Trà, đất Thái.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin