Góp sức vào cuộc khởi nghĩa Lý Bí

TNĐT 08:21, 02/04/2023

Nửa cuối thế kỷ thứ VI, một dấu mốc đột phá trong lịch sử hơn 1.000 năm chống Bắc thuộc của nhân dân ta được đánh dấu bởi một cuộc khởi nghĩa lớn và tiếp sau đó là một thời kỳ độc lập tạm thời. Cuộc khởi nghĩa đó được tạo nên bởi một người ở thôn Cổ Pháp, thuộc TP. Phổ Yên ngày nay, vị Anh hùng dân tộc, Lý Bí - Lý Nam Đế.

Chùa Hương Ấp.
Chùa Hương Ấp.

Trong khoảng thời gian dài gần 15 thế kỷ, phần về quê hương đức vua Lý Nam Đế từng là những nghi vấn lịch sử. Cho đến năm 2012, cuộc hội thảo về quê hương Lý Nam Đế, với sự tham gia của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín của đất nước, đã xác minh: Vua Lý Nam Đế có quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Tương truyền khi ông được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, ở thôn Cổ Pháp để nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp Tổ thiền sư về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội).

Vốn thông minh sáng dạ, lại được vị thiền sư dày công chỉ bảo, Lý Bí sớm học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, ông được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Năm 542, Lý Bí đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Sau khi đánh chiếm được các địa phương, nghĩa quân tiến về bao vây châu thành Long Biên, quân Lương đại bại, Thứ sử Tiêu Tư hoảng sợ, bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong 3 tháng đã hoàn toàn thắng lợi. Năm 544, ông lên ngôi, lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu là Thiên Đức, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc: Lý Nam Đế.

Theo các tài liệu lịch sử, vùng đất Phổ Yên, quê hương của đức vua Lý Nam Đế, không chỉ là nơi xuất phát khởi binh của cuộc Khởi nghĩa Lý Bí mà còn là một trong những “hậu phương chiến lược”, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp Vạn Xuân. Như vậy, trong Khởi nghĩa Lý Bí, Thái Nguyên vừa hậu phương lớn vừa là tiền tuyến lớn; vừa là đại bản doanh, cơ quan đầu não, vừa là chiến trường chiến đấu. Nhân dân Thái Nguyên một lòng đi theo Lý Bí đánh đuổi quân nhà Lương đô hộ, giành lại quyền tự do cho đất nước.

Thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Lý Bí có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của ý thức dân tộc, khẳng định nền độc lập tự chủ của nhân dân ta và phủ nhận quyền đô hộ thống trị của đế chế phương Bắc đối với đất nước ta.