Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những năm đầu tái lập tỉnh

TNĐT 10:43, 26/11/2023

Sau 31 năm hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn (1965-1996), thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX (ngày 6/11/1996), ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Sau gần 1 năm tái lập tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thái Nguyên đã đạt được những thành tích tương đối lớn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng lương thực, thực phẩm của Thái Nguyên sau tái lập tỉnh tăng khá. Sản lượng lương thực năm 1997 đạt 270.000 tấn. Giai đoạn 1997-2000, bình quân hằng năm sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh đạt gần 3.000 tấn.

Kinh tế đồi rừng phát triển, hình thành nhiều vùng cây ăn quả ở các huyện: Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên… Đến năm 1997, toàn tỉnh có gần 6.000ha cây ăn quả. Chè là cây công nghiệp chủ lực đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho hàng vạn hộ nông dân trong tỉnh. Diện tích, năng suất và sản lượng chè tăng. Diện tích tăng từ 10.575ha năm 1996 lên 14.331ha năm 2000; sản lượng chè tăng 2 lần so với năm 1996.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các sản phẩm từng bước được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Riêng công nghiệp địa phương năm 2.000 đạt giá trị sản xuất 383,5 tỷ đồng, trong đó quốc doanh đạt 216 tỷ đồng, ngoài quốc doanh đạt 167,5 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp đã được tổ chức lại, tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng bình quân hằng năm 13%.

Hoạt động tài chính - thương mại dịch vụ có nhiều khởi sắc. Năm 2000, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn là 2.762,795 tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt 615,299 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 595,294 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11 triệu USD, tăng 100% so với kế hoạch năm, tăng 2,5 lần so với năm 1996. Thu ngân sách nhà nước đạt 97% kế hoạch, tăng 6,2% so với năm 1996.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu về văn hóa - xã hội trong giai đoạn 1997-2000. Giáo dục - đào tạo bước đầu được xã hội hóa và đạt nhiều kết quả. Hệ thống trường lớp, các ngành học, cấp học phát triển. Chất lượng dạy và học tiến bộ đáng kể.

Sự nghiệp văn hóa - thông tin, thể dục thể thao, phát thanh - truyền hình, báo chí có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực phục vụ chính trị và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường cho vay vốn phát triển sản xuất, Thái Nguyên đã giải quyết thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17%, hộ giàu tăng 5,3%.

Công tác quốc phòng, an ninh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, có chuyển biến tốt…