Với mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số (CĐS) của khu vực trung du miền núi phía Bắc, tỉnh ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy CĐS trên địa bàn. Mục tiêu đề ra của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, đến năm 2030 vươn lên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu.
Sảng Mộc là xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Đến nay, xã mới đạt 10 tiêu chí nông thôn mới (thấp nhất tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo còn trên 20%, hộ cận nghèo là 14,31%. Cùng với xã La Bằng (Đại Từ), xã Sảng Mộc đã được tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm việc xây dựng xã thông minh - một mô hình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Hai tháng qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của tỉnh, huyện và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị: HaNoi Telecom, Mobiphone, Viễn thông Thái Nguyên (VNPT Thái Nguyên), Viettel Thái Nguyên, xã Sảng Mộc đã có thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện CĐS. Xã đã được lắp đặt 8km đường truyền cáp quang từ trạm VNPT tại trụ sở UBND xã đến điểm trường Tiên Sơn. Qua đó, giúp điểm trường kết nối được mạng internet và khai trương phòng tin học để phục vụ công tác dạy và học. Điểm trường Tiên Sơn và trụ sở UBND xã Sảng Mộc được lắp đặt 2 hệ thống loa truyền thanh thông minh hỗ trợ cho công tác tuyên truyền trên địa bàn. Xã cũng được triển khai lắp đặt thiết bị hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth).
Ông Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Sự hỗ trợ nói trên trong thực hiện CĐS rất có ý nghĩa đối với cán bộ, nhân dân trong xã. Nắm bắt cơ hội này, chúng tôi đang tích cực triển khai thực hiện, quyết tâm xây dựng mô hình thành công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà tài trợ lắp 15km đường cáp quang Internet cho 2 tuyến còn lại của xã; triển khai mở rộng hệ thống loa truyền thanh thông minh; tiếp tục tạo tài khoản đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia cho người dân; đào tạo, hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng Internet an toàn; triển khai ứng dụng giáo dục thông minh cho các điểm trường…
Được biết, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều vào cuộc mạnh mẽ trong thực hiện CĐS. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được quan tâm đầu tư xây dựng; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương. Việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử đạt 34,87%. Mạng lưới cáp quang được kéo đến 98% các xóm, bản, tổ dân phố, trong đó 52% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy nhập Internet đến 99% xóm, bản, tổ dân phố...
Đặc biệt, mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, chỉ đạo cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện CĐS với ba trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, việc CĐS sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đó, đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc...
Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cán bộ ở xã La Bằng (Đại Từ) sử dụng các phần mềm chính quyền số của xã. Ảnh: T.H
Về những mục tiêu cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương diện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung; 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện qua môi trường số. Cùng với đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm trên 20% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã và trên 80% hộ gia đình; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: Để việc CĐS thành công, chúng ta cần có sự thay đổi về nhận thức để hiểu được sự cần thiết, tính cấp thiết của CĐS. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS. Tiếp đó, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế về CĐS để có khung pháp lý rõ ràng, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để đáp ứng tiến trình CĐS; thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp số; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Với ngành Thông tin - Truyền thông, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng số; phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, ưu tiên triển khai tại các đô thị, khu CNTT tập trung, khu công nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh trên địa bàn tỉnh; đồng thời hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu…