Không quá cao nhưng cần nhiều nỗ lực

08:26, 16/01/2021

Trải qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn bất thường do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 5,4% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, trên cơ sở tính toán dư địa tăng trưởng và sự phục hồi khá nhanh của các doanh nghiệp (DN) khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, tỉnh đề ra chỉ tiêu GTSXCN đạt trên 840 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước. Mặc dù chỉ tiêu này không quá cao nhưng cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng cùng các DN trên địa bàn tỉnh…

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của ngành Công Thương tỉnh được tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương và đại diện nhiều DN đều khẳng định tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm qua gặp phải những khó khăn chưa từng thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hoạt động của nhiều DN bị đình đốn, giảm quy mô, xuất - nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều lao động bị cắt giảm. Theo kết quả khảo sát nhanh đối với 1.854 DN do Cục Thống kê tỉnh tiến hành, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lao động trong các DN giảm trên 5% so với cùng kỳ năm trước đó, doanh thu cũng giảm trên 6%. Những nguyên nhân chính được các DN nêu ra là do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu tăng (do khó khăn trong lưu thông và nhập khẩu), thị trường xuất khẩu hàng hóa bị thu hẹp, số đơn hàng xuất khẩu giảm tới 56,25%...

Thực trạng đó cũng được phản ánh rõ ở con số giảm 3,2% về GTSXCN trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. Một số địa phương đạt mức tăng trưởng GTSXCN cả năm rất thấp, như huyện Phú Lương chỉ đạt 1,6%, huyện Võ Nhai đạt 3,1%. Tuy nhiên, từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của tỉnh trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, sự nỗ lực, năng động của các DN, từ nửa cuối năm khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, SXCN đã phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Vì chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế (năm 2020, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm trên 58%) nên mức tăng trưởng 5,4% của công nghiệp đã đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,24% năm 2020 của tỉnh.

Đến nay, Khu công nghiệp Sông Công II đã cơ bản được lấp đầy với nhiều dự án quy mô lớn sắp đi vào hoạt động (có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD).

Năm 2021, tỉnh đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% (mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025 là 8%/năm trở lên); GTSXCN tăng 7,3% (tương đương con số tuyệt đối là trên 840,8 nghìn tỷ đồng), trong đó công nghiệp Trung ương tăng 5%, công nghiệp địa phương tăng 8% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,3% (kế hoạch đạt trên 780 nghìn tỷ đồng). Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và đại diện một số DN thì mục tiêu tăng trưởng công nghiệp 7,3% trong năm nay không quá cao và mặc dù thấp hơn mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025 (tăng bình quân 9%/năm trở lên) nhưng cũng không dễ dàng đạt được.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh phân tích: Nhìn chung, sản xuất, kinh doanh của các DN đã phục hồi khá nhanh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng “vết thương” chưa thể lành hẳn. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, trực tiếp là hoạt động xuất nhập khẩu khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Mặt khác, hiện nay, các DN, dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đi vào sản xuất ổn định nên yếu tố tạo tăng trưởng không nhiều.

Từ thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng trong những năm gần đây phụ thuộc khá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Việc điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Samsung Thái Nguyên và một số DN lớn (nếu có) sẽ tác động mạnh đến thực hiện chỉ tiêu SXCN, xuất nhập khẩu của tỉnh. Điều này khiến các nhà hoạch định, cơ quan chuyên môn ít nhiều gặp khó khăn khi xây dựng chỉ tiêu kế hoạch.

Trở lại mục tiêu tăng trưởng GTSXCN 7,3% trong năm nay, dù không quá cao nhưng đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành và trực tiếp, trước hết là các DN bởi còn nhiều khó khăn và yếu tố có thể gây biến động như nêu trên. Mới đây, Sở Công Thương đã ban hành Chương trình công tác năm 2021, trong đó nêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các DN.

Ngành cũng sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại với DN; nâng cao hiệu quả công tác khuyến công và xúc tiến thương mại… Đó cũng là những giải pháp chính mà nhiều địa phương đề ra hoặc cụ thể hóa nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều tín hiệu tích cực, trước hết là khả năng phục hồi khá nhanh của các DN khi dịch COVID-19 được khống chế, cho thấy khả năng thích ứng tương đối tốt. Nhiều dự án quy mô lớn đã, đang được triển khai và sắp đi vào sản xuất sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, tập trung ở khu vực phía Nam tỉnh, đặc biệt là Khu công nghiệp Sông Công II.

Thái Nguyên đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển sản xuất do COVID-19 (năm 2020, tỉnh có 18 dự án vốn FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 350 triệu USD)… Có thể lạc quan nhận định, từ những yếu tố chủ quan, khách quan đó, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh sẽ đạt mục tiêu tăng 7,3% trong năm đầu nhiệm kỳ này, tạo đà cho các năm tiếp theo và tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tầu” tăng trưởng kinh tế.