Vựa thóc trên lưng núi

09:37, 03/04/2021

Thuộc khu vực miền núi nhưng thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã không phải là trồng rừng. Lúa mới là cây kinh tế chủ lực mang lại no ấm cho bà con nông dân địa phương. Cũng vì thế, người dân ở đây thường tự hào: Vùng đất này là một vựa thóc trên lưng núi nơi “Thủ đô gió ngàn” - ông Ma Thịnh Giáp, Chủ tịch UBND xã Định Biên (Định Hóa) chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Để có những khu đồng sản xuất lúa ổn định như bây giờ, người dân xã Định Biên đã nhiều đời san đồi bạt bãi, cải tạo đất, bắt nước đưa về ruộng cấy lúa… Trong lúc cùng các đồng chí lãnh đạo xã đi thăm đồng, chúng tôi nhận thấy ở những chân ruộng bậc thang chạy dài tít tắp về phía chân núi, ngoài thổ nhưỡng phù hợp cho cây lúa phát triển thì “mẹ thiên nhiên” còn ban tặng cho Định Biên những nguồn nước mát lành tưới tắm cho mùa màng. Đó là dòng chảy từ thượng nguồn sông Chợ Chu; từ nguồn suối Bảo Linh và suối Thanh Định mang nước đi qua các đồng đất của xã. Đặc biệt, từ công trình thủy lợi hồ Bảo Linh, nước qua các kênh mương tự chảy chan hòa khắp đồng trên, đồng dưới. Đến nay, 90% hệ thống kênh mương dẫn nước của xã đã được xây dựng kiên cố. Mới đây, năm 2020 các tuyến mương Thâm Phe, Đồng Cửa, Đồng Toàng được xây dựng hoàn thiện từ nguồn vốn vay xi măng của tỉnh. Hiện, các khu đồng: Pác Máng, Đồng Tràng, Thâm Tắng tiếp tục được nhân dân đóng góp đối ứng cùng Nhà nước xây dựng hệ thống mương dẫn thủy nhập điền.

Đất đai màu mỡ, thủy lợi thuận tiện cùng sự tần tảo chuyên cần của người nông dân, nên cây lúa cấy xuống đồng đất này chưa bao giờ bị mất mùa do khô hạn. Cứ đời sau theo đời trước, kinh nghiệm tích tụ, cha truyền lại cho con, cho cháu trở thành một truyền thống đẹp. Cho đến bây giờ, 758 gia đình, với hơn 3.000 công dân quần tụ, đoàn kết sinh sống tại 9 xóm thuộc Định Biên đều sống nhờ cây lúa. Trên diện tích đất cấy lúa ổn định 342 ha hằng năm đều được gieo cấy 2 vụ lúa. 100% diện tích đất lúa chủ động được nước tưới. Quen nếp, vào vụ xuân bà con cấy các giống lúa Khang Dân, lúa Lai, 3 năm nay có thêm giống lúa mới J02. Vào vụ mùa bà con cấy 3 giống đặc sản là Bao Thai, nếp cái Hoa Vàng và nếp Vải. Bà Ma Thị Na, hơn 70 tuổi, ở xóm Khau Lầu cho biết: Từ nhỏ tôi đã thấy trên đồng đất này các cụ gieo cấy giống lúa Bao Thai, nếp cái Hoa Vàng và nếp Vải. Còn các giống lúa mới đều do cán bộ khuyến nông đưa về, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân gieo cấy. Điều lạ là bất cứ giống lúa gì khi dảnh mạ đặt xuống ruộng ngấu chiều trước, sớm sau đã thấy hồi xanh, lên thân khỏe, cuối vụ cho bông to, hạt chắc…

Người dân Định Biên có truyền thống, kinh nghiệm gieo cấy, chăm sóc cây lúa, nhưng không bảo thủ. Hằng năm, bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Bình quân 1 năm có 6 lớp tập huấn do chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, với gần 300 lượt người tham gia. Theo ông Ma Lãng Trị, xóm Làng Quặng, một nông dân sản xuất lúa giỏi của xã: Ngày trước các cụ chỉ gieo cấy 1 vụ lúa Bao Thai là đủ ăn quanh năm. Còn nếp cái Hoa Vàng và nếp Vải nhà nào cũng giành một khoảnh ruộng gieo cấy, lấy gạo gói bánh chưng ăn ngày lễ, Tết hoặc dùng khi nhà có việc. Thời gian còn lại ruộng bỏ cỏ trâu gặm, lấy phân cải tạo đất. Nhờ cán bộ khuyến nông mang khoa học, mang giống về chuyển giao cho nông dân, thế nên đồng đất này có thêm vụ lúa chiêm xuân. Nay bỏ chiêm, cấy xuân đại trà. Ngoài ra còn có một số loại cây màu khác như ngô, khoai lang, sắn, lạc, khoai tây, rau màu được gieo trồng. Tuy không nhiều, nhưng đất đai không bị bỏ trống, góp phần tăng thêm thu nhập.

Đến nay, 13/20 khu đồng ở xã Định Biên (Định Hóa) đã có đường nội đồng được đổ bê tông. Ảnh: T.L

Gia đình ông Trị có 20 sào đất cấy lúa, do chịu đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy, năng suất lúa của gia đình ông đạt 250kg/sào. Sản lượng thóc đạt 10 tấn/năm. Để sản xuất thuận lợi, ông đã đầu tư mua 1 máy cấy, 2 máy gặt đập liên hoàn, vừa phục vụ công việc đồng áng của gia đình, đồng thời hỗ trợ bà con trong vùng sản xuất kịp vụ. Nhìn khắp các chân ruộng xuân, lúa “dậy thì con gái”, mơn mởn đầy sức sống đợi sấm dậy là “phất cờ mà lên”, tôi biết trên một vùng lưng núi của Định Hóa này đang từng ngày đổi thay. Đó là việc người dân đã tiếp cận, quen thuộc với các dịch vụ sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Dù rằng gần 100% số hộ có máy cày, bừa mini, nhưng hiện nhiều hộ không sử dụng vì bất tiện. Ông Ma Văn Toàn, xóm Đồng Đau nói: Trước đây làm ăn nhỏ lẻ, đường ra các khu đồng chật hẹp nên nhà nào cũng tự mua máy cày bừa nhỏ để làm kịp vụ. Còn từ 3 năm gần đây đường nội đồng mở rộng, nhiều hộ mua máy lớn làm dịch vụ. Tính chi li thì việc thuê máy có giá thành hạ hơn so với việc mình tự làm.

Cơ giới hóa về miền núi, người dân có nhiều thời gian hơn để làm công việc khác, tăng thu nhập. Bởi toàn bộ các khâu nặng nhọc như: Làm đất, cấy, gặt, tuốt đều do máy  móc đảm nhận. Hộ cấy lúa chỉ việc chuyển về phơi khô, quạt sạch, cất bồ. Nên ở một xã nhỏ như Định Biên, hiện gần 500 người trong độ tuổi lao động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhưng đất đai không bị bỏ hoang hóa… Ủng hộ chủ trương cơ giới hóa đồng ruộng, từ năm 2017 đến nay, nông dân trong xã đã hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng, bê tông hóa đường nội đồng. Nhiều tuyến được mở rộng từ 2m lên 5m; nhiều đoạn mở rộng từ 20cm lên 5 m, thuận lợi cho sản xuất. Điển hình trong hiến đất mở rộng đường nội đồng phải kể đến hộ ông Ma Công Trường, xóm Khau Lầu, hiến 360m2 đất. Ông Trường cũng là hộ đầu tiên ở xã đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa. Bằng cách làm thủ tục mua bán đất, nộp thuế cho Nhà nước, ông Trường mua lại 6 sào đất của ông Ma Đức Cao, ông Cao lại mua 6 sào đất của ông Trường. Ông Cao chia sẻ: Có đường bê tông, đồng xa, đồng gần không còn quan trọng. Mà quan trọng mình có ruộng liền thửa, việc đưa máy xuống đồng thuận lợi hơn. Sau khi đổi ruộng chúng tôi cho máy phá bờ, san lấp từ nhiều thửa nhỏ thành thửa lớn…

Trong thời gian ở Định Biên, chúng tôi còn được đến thăm nhiều di tích: Nơi diễn ra Lễ hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân thành Đội Việt Nam giải phóng quân; nơi Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên; thăm Khu di tích hầm 5 cửa, nơi ở và làm việc của Tổng cục Chính trị... Tôi liên tưởng đến những năm tháng đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cánh đồng trên lưng núi này từng là vựa thóc phục vụ kháng chiến. Đất nước hòa bình, thống nhất, người dân ở nhiều vùng miền trong cả nước còn biết đến Định Biên nhờ những loại gạo đặc sản như Bao Thai, Nếp cái Hoa Vàng, Nếp Vải dẻo thơm.