Trong thời điểm nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những giải pháp khả thi và có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế. Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là khoảng 4.800 tỷ đồng, nếu được giải ngân đúng hạn, đạt tỷ lệ cao và hiệu quả thì đây sẽ là nguồn lực rất lớn để tăng sức bật cho nền kinh tế của tỉnh.
So với mặt bằng chung của cả nước thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thời gian qua thuộc nhóm cao. Tính đến hết tháng 12-2020, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công được trên 3.150 tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (trên 3.446 tỷ đồng). Đáng chú ý là có một số dự án do các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh làm chủ đầu tư có tiến độ giải ngân nhanh, như: Công trình nhà đa chức năng của UBND tỉnh đã giải ngân 100% kế hoạch vốn; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tập trung đã giải ngân 100% kế hoạch vốn; đường gom từ Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) đoạn từ Khu công nghiệp Yên Bình đến Khu công nghiệp Điềm Thụy đã giải ngân 96% kế hoạch vốn... Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, việc giải ngân vốn đầu tư của các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh vẫn gặp một số khó khăn nhất định, nhất là giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài (ODA).
Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: M.H
Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Theo quy định của pháp luật về đầu tư, một công trình, dự án dù số vốn lớn hay nhỏ đều phải thực hiện tuần tự theo từng bước, không được phép làm tắt, cắt xén quy trình. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đối với các dự án giao thông, ngoài nỗ lực của ngành cần sự phối hợp rất trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan. |
Theo đánh giá của đại diện các ngành chức năng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của một số ngành, địa phương đạt thấp là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án. Đơn cử như Dự án nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 2 giải ngân chậm, nguy cơ phải chuyển vốn nếu Chính phủ không đồng ý cho tỉnh kéo dài thời hạn thực hiện đến tháng 6-2022. Hay Dự án đô thị động lực với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD (Ngân hàng Thế giới cho vay 80 triệu USD) triển khai tại một số phường, xã của T.P Thái Nguyên hiện cũng đang chậm tiến độ do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không đáp ứng được yêu cầu...
Cùng với đó là nhiều công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư nhưng còn vướng mắc như các dự án sử dụng vốn từ cấp quyền sử dụng đất nhưng không đủ vốn thanh toán cho nhà thầu do UBND cấp huyện chưa thu được tiền từ các phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Thêm một lý do nữa khiến vốn đầu tư công giải ngân chậm là thủ tục đầu tư kéo dài, liên quan đến nhiều ngành. Ví dụ, ngành Giao thông - Vận tải được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông nhưng phải thực hiện đầy đủ các bước từ khảo sát, thuê tư vấn, thiết kế, trình duyệt, đấu thầu…, mỗi bước đều phải tuần tự và đúng thời hạn.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo: Đặc thù của ngành Giáo dục là chỉ tập trung đầu tư vốn sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất vào thời điểm học sinh nghỉ hè nên các công trình thường được triển khai thi công từ tháng 7 hàng năm. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân vốn trong 6 tháng đầu năm của đơn vị đạt thấp. |
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các cơ quan quản lý ngân sách bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi đến kho bạc. Mới đây, đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu: Quy trình, thủ tục đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, các ngành chức năng của tỉnh và UBND cấp huyện phải phối hợp chặt chẽ, hợp tác nhịp nhàng, trách nhiệm, tránh việc máy móc, nguyên tắc thái quá trong toàn bộ quá trình đầu tư, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán.
Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là khoảng 4.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương gần 3.700 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.130 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) khoảng 546 tỷ đồng. |
UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu số vốn không giải ngân hết trong năm 2021 và sẽ bị thu hồi. Các trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn theo tiến độ đề ra, UBND tỉnh yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cũng như những cá nhân liên quan. UBND tỉnh quán triệt tinh thần kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định...