Qua 8 tháng của năm nay, dù dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa (XKHH) trên địa bàn tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Đây cũng chính là mảng sáng trong “bức tranh” kinh tế chung của tỉnh.
Về kết quả cụ thể, kim ngạch XKHH trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng của năm nay ước đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,77% so với cùng kỳ năm trước (riêng trong tháng 8 đạt 2,96 tỷ USD, tăng 8,68% so với tháng trước đó). Từ thực tế có thể thấy, tuy dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng với các chính sách lớn của Chính phủ, của tỉnh và sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp (DN), lĩnh vực XKHH trên địa bàn vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong XKHH của tỉnh 8 tháng qua vẫn là nhóm mặt hàng điện thoại, máy tính bảng và các nhóm hàng điện tử khác với tổng giá trị đạt 17,63 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Riêng điện thoại thông minh đạt 68,39 triệu sản phẩm. Cùng với đó là nhóm sản phẩm từ sắt, thép tiếp tục có sự tăng trưởng trong 8 tháng khi đạt 21 triệu tấn, tăng 23,2%. Nhóm sản phẩm may mặc, chè, gỗ… cũng có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Hur Jee Young, Giám đốc Nhà máy gỗ Dongwha cho biết: Nhà máy nằm tại Khu công nghiệp Sông Công II, có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD chính thức đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển, Mặt khác, phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, một số quốc gia khác nên sẽ có đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh.
Trong 8 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,4 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Còn ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông tin: Trong quý III và quý IV năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm một số DN với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động và có sản phẩm nên chắc chắn hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sôi động hơn.
Mặc dù kết quả XKHH trên địa bàn tỉnh có nhiều gam màu sáng nhưng tính tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng trong 8 tháng qua thì mức tăng trưởng không quá cao. Cá biệt, có nhóm sản phẩm từng là lợi thế của tỉnh trong nhiều năm qua như kim loại màu và tinh quặng kim loại màu nhưng giá trị xuất khẩu trong 8 tháng chỉ còn 159 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Như vậy, có thể thấy kết quả XKHH của tỉnh phụ thuộc lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài, với nhóm hàng linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, nhìn vào cán cân thương mại thì nhóm hàng nguyên liệu và linh kiện điện tử nhập khẩu trong 8 tháng của tỉnh cũng lên đến 10,67 tỷ USD nên giá trị dương đóng góp thực vào cơ cấu kinh tế của nhóm này cũng chưa phải đã quá cao. Điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục nội địa hóa nguồn nguyên, vật liệu và sản phẩm để tăng giá trị xuất khẩu.
Dự báo nhu cầu hàng hóa tăng và việc các nước đang triển khai mạnh mẽ việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ là cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm dệt may, đồ gỗ, điện tử - những sản phẩm xuất khẩu có lợi thế của tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, nước ta và một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua đó nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, DN thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng có sự bứt phá, tạo đà để XKHH tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của tỉnh (như điện tử, dệt may) đang có nhiều cơ hội hồi phục khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn tại châu Mỹ, châu Âu và các nước đều tăng nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, do đó các DN trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội để tìm kiếm thêm các đơn hàng, bạn hàng xuất khẩu mới…
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên cho biết: Hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn là thực trạng chung của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng khan hiếm container vận chuyển, chi phí vận tải tăng cao… Những yếu tố này đã gây tác động bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu của các DN. Đối với tỉnh Thái Nguyên, do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt nên các DN vẫn duy trì sản xuất ổn định, nhất là các DN sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử. Từ đó, hoạt động XKHH tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn nhưng những kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được trong 8 tháng qua là rất tích cực. Trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu tăng hay giảm sẽ phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cũng như cả nước và các quốc gia trên thế giới. Vì kết quả kiểm soát dịch bệnh cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ có tác động rất lớn đến quá trình sản xuất, thông thương hàng hóa trên thị trường toàn cầu.