Biến động về cung - cầu nhân lực: Biểu đồ khó vẽ

08:47, 03/12/2021

Bài 3: Tạo đột phá trong đào tạo nhân lực Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Do đó, việc xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ trình độ, kỷ luật lao động và tinh thần cầu tiến là yêu cầu rất quan thiết, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Phát triển nhân lực phục vụ mục tiêu lớn

Những năm qua, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và tương lai sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã thu hút được trên 820 dự án đầu tư trong nước (với tổng số vốn đăng ký trên 139 nghìn tỷ đồng) và trên 200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 2.400ha, trong đó, 5 KCN đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy là 61% (số dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh là trên 260 dự án); 18/35 cụm công nghiệp (CCN) đã có quyết định thành lập với tổng diện tích gần 720ha, thu hút trên 60 dự án đầu tư và đạt tỷ lệ lấp đầy trên 40%. Tại các KCN, CCN có nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao và có thương hiệu nổi tiếng thế giới, như: Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, MDF Dongwha Việt Nam, Hansol Việt Nam, Alutec Vina, ALK Vina, Mani Hà Nội... Các nguồn lực đầu tư này đã tạo “cú hích” mạnh mẽ để tỉnh có những bước tăng trưởng và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm tới là đa ngành, đa lĩnh vực, ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà địa phương có lợi thế.

Chị Nguyễn Thị Hường, nhân viên văn phòng Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam: Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ năm 2017, tôi xin vào làm phiên dịch cho một số công ty nước ngoài. Trong quá trình làm việc, ngoài kiến thức đã học, tôi còn phải không ngừng trau dồi vốn từ vựng và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, tôi còn tham gia giảng dạy tại một số trung tâm ngoại ngữ để tự hoàn thiện khả năng phiên dịch.

Để thực hiện mục tiêu đó, năm 2021, tỉnh đã ký kết với Trường Đại Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) để đào tạo 2.000 cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn. Cùng với đó là định hướng phát triển nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng…

Để giáo trình theo kịp dây chuyền 

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 toàn quốc (sau T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh) với khả năng đào tạo đa ngành cho hàng vạn sinh viên mỗi năm. Đây cũng là tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh trong thực tế là nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp lại không trúng tuyển khi làm hồ sơ xin việc vào các vị trí việc làm theo ngành nghề được đào tạo, thậm chí, nhiều em chỉ sử dụng bằng THPT để xin làm lao động phổ thông như chúng tôi đã phản ánh ở những bài viết trước.

Nhiều sinh viên mới ra trường được tạo điều kiện tham gia các phiên giao dịch việc làm để kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong ảnh: Sinh viên tham gia tìm kiếm thông tin và cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm huyện Đồng Hỷ. Ảnh:T.L

Lý do của thực trạng này không chỉ là do yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và các doanh nghiệp, mà chính bản thân sinh viên cũng chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tương ứng với vị trí việc làm, hay nói cách khác, chương trình đào tạo nhân lực hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Do vậy, làm sao để đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp và tiến trình phát triển công nghiệp như mục tiêu mà tỉnh đã đề ra, vẫn là việc phải bàn.

Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ thực tế cho thấy, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo sẽ giúp sinh viên được thực hành, thực nghiệm nhiều hơn, rèn luyện kỹ năng, kỷ luật làm việc. Chỉ có như vậy sinh viên mới hoàn thiện bản thân, tăng cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền về chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp ký kết với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh về cung, cầu lao động và phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các địa phương tổ chức ngày hội tìm hiểu thông tin, giới thiệu việc làm...

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Các cơ sở đào tạo cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Do vậy, tỉnh Thái Nguyên nên tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương…

Còn ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho hay: Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong giai đoạn mới và nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Thái Nguyên hiện đã đầu tư xây dựng thêm 15 chương trình đào tạo với kinh phí gần 10 tỷ đồng, theo định hướng chất lượng cao. Đây là những chương trình đón đầu xu hướng công nghiệp 4.0, như: Công nghệ thông tin; thương mại điện tử và marketing số; cơ điện tử, tự động hóa xí nghiệp công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; kỹ thuật xét nghiệm y sinh; công nghệ thực phẩm; phân tích đầu tư tài chính…

Người lao động đang được coi là nguồn lực đặc biệt, nhân tố góp phần quyết định sự tồn tại và phát triển đối với mỗi doanh nghiệp, đơn vị, địa phương. Điều này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi gặp mặt với người lao động tại T.P Hồ Chí Minh: Để đất nước phát triển thì không chỉ dựa vào vốn lao động giá rẻ mà còn là vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng và yếu tố then chốt để phát triển kinh tế bền vững.