Năm 2021, hoạt động của ngành Ngân hàng (NH) không nằm ngoài vùng tác động của đại dịch COVID-19. Điều này khiến việc gia tăng dư nợ cũng như kiểm soát nợ xấu trong toàn ngành gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp đã được các NH trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả. Từ đó, giúp toàn ngành Ngân hàng dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay.
Năm nay, ngành NH tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng là 12%; tiếp tục kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2%. Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đạt 68,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2020 (đến cuối năm dự kiến đạt 70,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%); nợ xấu là 671 tỷ đồng, chiếm 0,98% trong tổng dư nợ.
Để có được kết quả này, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả khách hàng và chính các NH khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước suốt từ tháng 4 đến nay. Điều này phần nào được thể hiện qua việc có những thời điểm, nhiều doanh nghiệp không biết sử dụng vốn vào việc gì do không dám, không muốn hoặc không thể “đổ” vốn vào sản xuất - kinh doanh, nên “buộc” phải gửi tiền vào NH.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh phân tích: Ở một khía cạnh khác, về phía các NH, việc cho vay cũng trở nên thận trọng hơn, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro. Trên thực tế, trong bất cứ giai đoạn nào, các NH luôn lấy sự an toàn là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động, điều này càng cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. Bởi các NH thương mại cũng là doanh nghiệp, cũng phải trả lãi trong huy động vốn và rất nhiều khoản chi phí liên quan, phát sinh khác.
Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp để biến thách thức thành cơ hội. Trong đó có thể kể đến việc chủ động tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các mức lãi suất cho khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch; đẩy mạnh kênh thanh toán điện tử, cải cách thủ tục hành chính, cũng như tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế.
Chính vì thế, ngay từ cuối tháng 10, BIDV Thái Nguyên đã đạt hoặc xấp xỉ đạt một số chỉ tiêu quan trọng của cả năm. Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động đạt 9.257 tỷ đồng, tăng 7,2%; dư nợ cho vay đạt 13.517 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm; thu dịch vụ ròng đạt 66 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước…
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh được các ngân hàng chủ động cho vay với lãi suất ưu đãi để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Còn đối NH Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, đơn vị đã đẩy mạnh các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, từ chuyển tiền, ủy quyền thu nợ, thu lãi tự động, gửi tiền tiết kiệm trực tuyến, đẩy mạnh cấp hạn mức thấu chi qua tài khoản thanh toán, đặc biệt là thấu chi thẻ Nông nghiệp nông thôn...
Song song với đó, Agribank đã miễn phí chuyển tiền, phí mở tài khoản thanh toán cho khách hàng nhằm gia tăng và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ này. Đối với khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, bên cạnh việc chủ động giảm đồng loạt 10% lãi suất đối với khách hàng có dư nợ tại thời điểm 15/7/2021 và giảm tối đa đến 10% đối với cho vay mới phát sinh sau ngày 15/7/2021, Chi nhánh còn triển khai hàng loạt các chương trình tín dụng ưu đãi cho tất cả các nhóm khách hàng, với lãi suất giảm từ 2-2,5%/năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực và sự nỗ lực của toàn chi nhánh, dự kiến đến ngày 31/12/2021, Agribank Thái Nguyên sẽ hoàn thành 6/6 chỉ tiêu kinh doanh được giao.
Ông Bùi Văn Khoa cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường thì cùng với việc triển khai nhiều giải pháp để đạt được sự tăng trưởng về các chỉ tiêu kinh doanh thì các NH còn rất chú trọng công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cơ quan chức năng. Từng đơn vị đều chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch. Chính vì thế, mặc dù trong năm, một số đơn vị có F0 đến giao dịch, phải thực hiện phong tỏa tạm thời để phòng, chống dịch, truy vết F1, F2... nhưng ngay ngày hôm sau, các NH đã bố trí được địa điểm giao dịch khác, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng.
Theo dự báo, trong những tháng tới đây, khi nhu cầu nhập hàng tích trữ để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng cao, cùng với đó là tâm lý tự tin hơn trong kinh doanh khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ có thêm những khởi sắc.
Dù vậy, giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh với NH vẫn rất cần sự tiếp tục đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như sự quan tâm từ phía cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, để giúp các doanh nghiệp thêm niềm tin, "sức khoẻ" vượt qua đại dịch.