Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú - đây đều là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Tận dụng tiềm năng đó, du lịch cộng đồng hiện đang được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển và trở thành một trong những sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và du khách.
Được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất danh trà”, khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều địa phương như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Đình (Định Hóa), Phú Thượng (Võ Nhai), Bình Sơn (TP. Sông Công), Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ)...
Tại các địa phương này, người dân đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, đầu tư chỉnh trang những nương chè để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều cơ sở sản xuất chè ở những vùng đất giàu tài nguyên tự nhiên và văn hóa đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch cộng đồng như: Homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của các đoàn khách đông người.
Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái như vườn nho, vườn dâu tây tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)…
Đến với bản làng Thái Hải, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào bầu không khí đậm chất văn hóa dân tộc.
Trong số những điểm đến hấp dẫn tại Thái Nguyen, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên), được công nhận là điểm du lịch địa phương từ năm 2014 và thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả du khách quốc tế. Nơi đây quy tụ hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên mẫu, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Bản làng Thái Hải còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán đẹp, nghề truyền thống như làm thuốc Nam, nấu rượu, chế biến chè, thực hành Then trong cuộc sống hằng ngày. Đến với bản làng, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc.
Hay một mô hình độc đáo và hút khách khác là Hoàng Nông farmstay ở xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông (Đại Từ), với cách làm du lịch chuyên nghiệp đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Hoàng Nông farmstay có hai ngôi nhà sàn theo phong cách của dân tộc Dao, với diện tích 300m2, sức chứa từ 18-20 người, nằm giữa những đồi chè sản xuất theo hướng an toàn để du khách kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm thu hái, chế biến chè.
Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ nhân Hoàng Nông farmstay, chia sẻ: Trước đây, tôi làm hướng dẫn viên du lịch. Trong quá trình đưa du khách đi tham quan, tôi thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp của sườn Đông núi Tam Đảo cùng lợi thế phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè. Vì vậy, tôi đã khởi nghiệp từ mô hình homestay tại ngay chính đồi chè của gia đình, với mục đích quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương.
Theo ông Tùng, Hoàng Nông farmstay đi vào hoạt động từ năm 2019, tuy còn mới nhưng đã được nhiều khách trong nước và quốc tế biết tới, đến trải nghiệm và lưu trú.
Từ thực tế cho thấy, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 2 mô hình du lịch cộng đồng, thì từ năm 2018 đến nay, Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ. Các mô hình này mỗi năm đã thu hút trên 1.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, cách làm du lịch, quảng bá du lịch còn tự phát, chưa chuyên nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa thực sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, với lộ trình từ năm 2022-2025 sẽ hoàn thành xây dựng 5 mô hình điểm về du lịch cộng đồng.
Đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong năm 2022, Sở sẽ tập trung hoàn thiện 2 điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và xã Phú Thượng (Võ Nhai). Chúng tôi sẽ tăng cường các sự kiện và định hướng cho các khu, điểm du lịch, tổ chức dịch vụ trải nghiệm, tổ chức trình diễn và xây dựng các cửa hàng lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng cũng sẽ được quan tâm. Ngành Văn hóa sẽ mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến. Từ đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.