Những năm gần đây, bà con nông dân Thái Nguyên đã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, thay thế dần phương thức sản xuất thủ công. Qua đó, góp phần giảm công lao động và nâng cao giá trị nông sản, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Người dân phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) sử dụng máy cày, bừa trong sản xuất nông nghiệp. |
Thay vì mất một tuần để làm đất gieo trồng 7 sào lúa và 2 sào ngô như trước đây, hiện nay, gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh, ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên) chỉ cần 1 buổi thuê máy cày, bừa là có thể xuống giống.
Bà Vịnh chia sẻ: Không chỉ làm đất, khâu thu hoạch cũng được chúng tôi thực hiện bằng máy gặt đập liên hợp nên công việc đồng áng đỡ vất vả hơn. Qua đó, góp phần giảm nhân công lao động, tiến độ sản xuất cũng được thực hiện nhanh chóng và đảm bảo đúng khung thời vụ.
Tương tự, đối với Công ty TNHH Hải Anh, ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng giúp đơn vị giảm chi phí công lao động và nâng cao giá trị nông sản. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Anh, Giám đốc Công ty, cho biết: Đối với các loại rau, củ, quả như: Dưa chuột, dâu tây, cà chua, dưa hấu, dưa Mỹ… chúng tôi sản xuất theo hướng hữu cơ; đồng thời, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Do vậy, tiết kiệm được từ 30 đến 50% lượng nước tưới, 30% chi phí phân bón và giảm công chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Ngoài ra, cây luôn được đảm bảo cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng tùy từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; sản phẩm đảm bảo an toàn với người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng lịch thời vụ, giảm chi phí nhân công, nâng cao chất lượng nông sản. Vì vậy, tại các địa phương trong tỉnh, nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất đã được người nông dân chủ động đầu tư mua sắm.
Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt, ở xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) ứng dụng cơ giới hóa trong việc sấy, nghiền tinh bột rau. |
Cụ thể, đối với các hộ sản xuất chè, bà con mua máy sao chè bằng gas, điện thay thế tôn quay, bếp củi; sử dụng máy đóng gói tự động, máy hút chân không; máy hàn mép túi; máy lấy hương… Trong khâu chăm sóc, chế biến, bà con đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, máy cắt cỏ, máy băm thức ăn cho gia súc, máy tách hạt ngô, máy làm đất cầm tay…
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trong lĩnh trồng trọt, khâu làm đất có tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 91%, khâu thu hoạch lúa đạt 68% và khâu vận chuyển nông sản đạt 85%. Riêng với cây chè, cơ giới hóa trong khâu đốn chè đạt khoảng 90%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, cơ giới hóa trong khâu cung cấp nước, thức ăn tự động đạt 77%; xử lý môi trường chăn nuôi đạt trên 58%. Đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, bà con áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi (ủ phân, biogas, đệm lót sinh học) đạt 62%. Còn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung, việc cơ giới hóa đạt 46%, chủ yếu ở khâu làm quạt nước và sục khí.
Để khuyến khích người dân đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân khi mua máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất. Trong năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã hỗ trợ 68 máy vò chè; 5 máy đóng gói, hút chân không tự động; 19 máy sao chè bằng gas, bằng điện; 1 máy hút chân không và 3 kho lạnh cho các cơ sở hộ sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Còn trong năm 2022, Thái Nguyên tiến hành hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả (diện tích 110ha), cây chè (200ha). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ một lần với mức 50% giá mua mua 18 máy sao chè bằng gas (tối đa không quá 62 triệu đồng/máy).
Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Không chỉ bảo đảm kịp khung thời vụ, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, việc làm chủ máy móc, công nghệ còn giúp người nông dân tiếp cận phương thức sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập. Để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian tới, Chi cục tiếp tục khuyến khích, vận động danh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đẩy mạnh liên kết, đầu tư máy móc vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người dân.
Có thể thấy, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong hai năm (2020 và 2021), mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Thái Nguyên vẫn tăng bình quân 4,26%/năm. Năm 2021, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt trên 117,8 triệu đồng/ha, tăng 7,8 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Không chỉ giảm chi phí công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, việc áp dụng cơ giới hóa đã giúp người nông dân thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững theo hướng nâng cao giá trị nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả tập trung quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin