Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Trung ương, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương nên các xã, thị trấn vùng Tây Nam huyện Đại Từ đã, đang có sự bứt phá đáng kể. Với định hướng quy hoạch và những kế hoạch, hoạch định mới của cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên, vùng đất dưới chân núi Tam Đảo này được kỳ vọng là điểm đến của các nhà đầu tư, trở thành cực tăng trưởng mới…
Tuyến đường liên kết vùng có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng sẽ kết nối huyện Đại Từ với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh. |
Giao thông đi trước
Thời điểm trước năm 2020, tuyến đường tỉnh 261 (ĐT.261) là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai khi phải đi qua đây, bởi mặt đường lầy lội khi mưa, bụi mờ khi nắng. Nỗi ám ảnh đó đã được kịp thời giải quyết khi Trung ương đầu tư trên 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT.261.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi dự án trọng điểm là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (tuyến đường liên kết vùng) đang được tích cực triển khai tại 3 địa phương phía Tây Nam của huyện Đại Từ là: Cát Nê, Ký Phú và thị trấn Quân Chu, với tổng chiều dài đoạn qua huyện Đại Từ là hơn 9km, tổng vốn đầu tư ngân sách trên 3.000 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận và Thái Nguyên, trong đó có các xã mà tuyến đường đi qua. Đặc biệt, tuyến đường liên kết vùng hình thành sẽ rút ngắn gần 30km khoảng cách giữa huyện Đại Từ đến Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài so với khi lưu thông qua hệ thống giao thông hiện tại, giảm tải cho Quốc lộ 37 vốn đang ở thế độc đạo.
Cùng với đó, tuyến đường sẽ kết nối từ huyện Đại Từ với các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc. Điều này đồng nghĩa rằng cơ hội giao thương, kết nối với các vùng miền sẽ là rất lớn đối với Đại Từ ngay trong tương lai gần.
Ngoài 2 tuyến đường kể trên, những năm qua, thực hiện Đề án Phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông trên địa bàn, huyện Đại Từ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để phát triển mạng lưới giao thông tại các xã, thị trấn, trong đó có các xã phía Tây Nam.
Tính riêng năm 2021, huyện đã dành gần 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường. Năm 2022, gần 500 tỷ đồng cũng được dành để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo 11 công trình giao thông do địa phương quản lý, với tổng chiều dài 35,6km; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông trục xã, liên xóm với tổng chiều dài trên 78km.
Đáng chú ý, trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, nhiều tuyến đường kết nối các xã khu vực phía Tây Nam của huyện với các xã, thị trấn đã được định hình. Đơn cử như: Tuyến nối từ sườn Đông Tam Đảo giao cắt với đường liên kết vùng sang hồ Núi Cốc (điểm đầu là khu vực Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc ở xã Quân Chu; điểm cuối là hồ Núi Cốc thuộc xã Phúc Tân, TP. Phổ Yên); dự án cầu An Long và đường nối ĐT.270 với ĐT.261 để khai thác toàn bộ mặt hồ Núi Cốc thuộc khu vực 2 xã Bình Thuận và Lục Ba; đường hồ Núi Cốc (qua các xã: Tân Thái - Bình Thuận - Lục Ba - Vạn Thọ)…
Khu đô thị Ký Phú đang được nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng. |
Đẩy mạnh phát triển đô thị và công nghiệp
Để huyện Đại Từ phát triển trở thành thị xã vào năm 2030, một trong những yêu cầu bắt buộc là phải phát triển các đô thị trên địa bàn và công nghiệp, dịch vụ. Do vậy, huyện đã đầu tư mở rộng thị trấn Hùng Sơn, quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh. Trong đó việc quy hoạch, đầu tư xây dựng thị trấn Quân Chu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nam đã được tích cực thực hiện.
Sau nhiều nỗ lực, cấp có thẩm quyền đã chấp thuận giao địa phương tiến hành nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu. Thị trấn Quân Chu sau khi mở rộng sẽ có diện tích tự nhiên trên 53km2, quy mô dân số hơn 8.000 người, với 10 tổ dân số và 9 xóm. Địa giới hành chính thị trấn Quân Chu sau khi mở rộng cụ thể như sau: Phía Đông và phía Nam giáp xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên); phía Tây giáp dãy núi Tam Đảo; phía Bắc giáp xã Cát Nê, trở thành đô thị loại V theo Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035.
Như vậy, thị trấn Quân Chu sau khi mở rộng sẽ là trung tâm khu vực phía Tây Nam của huyện Đại Từ.
Cùng với các địa phương khác, thời gian qua, các xã, thị trấn phía Tây Nam của huyện Đại Từ đang thực hiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết với tổng số hơn 100 đồ án.
Theo đồng chí Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thọ: Địa phương đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch khu vực trung tâm xã, với tổng diện tích hơn 60ha. Trong đó, trung tâm xã sẽ là các khu dân cư, khu vực dành cho phát triển thương mại, dịch vụ. Bao quanh đó là các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Tương tự, xã Ký Phú cũng quy hoạch khoảng 120ha diện tích dành cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, khu trung tâm xã được mở rộng lên 70ha…
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ, thông tin: Trong Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Từ đến năm 2040, chúng tôi đã phân vùng phát triển huyện Đại Từ thành 3 tiểu vùng, trong đó, khu vực phía Tây Nam được định hướng là vùng du lịch, dịch vụ và nông - lâm nghiệp và công nghiệp nhẹ. Dựa trên định hướng này, hệ thống các điểm dân cư nông thôn phía Nam được tổ chức vừa gắn kết với sản xuất nông nghiệp, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại sườn Đông Tam Đảo và hồ Núi Cốc. Bên cạnh đó, tuyến du lịch theo tuyến đường liên kết vùng sẽ là trục du lịch quan trọng, kết nối trục du lịch bờ Tây hồ Núi Cốc, từ thị trấn Hùng Sơn đến xã Ký Phú, điểm giao với ĐT.261 và tuyến liên kết vùng.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh, trong phát triển các cụm công nghiệp, huyện Đại Từ đã phối hợp với các sở, ngành dồn lực quy hoạch và đề xuất bổ sung các cụm công nghiệp mới, như: cụm công nghiệp Quân Chu và cụm công nghiệp Ký Phú - Cát Nê vào quy hoạch tỉnh.
Theo đó, cụm công nghiệp Quân Chu có tổng diện tích hơn 50ha, cụm công nghiệp Ký Phú - Cát Nê có tổng diện tích 68ha. Định hướng chung cho các cụm công nghiệp này là phát triển công nghiệp nhẹ, thân thiện với môi trường, trên cơ sở khai thác thế mạnh ở khu vực, thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ.
Mặc dù có triển vọng phát triển, song nhiều thế mạnh ở khu vực Tây Nam huyện Đại Từ chỉ mới ở dạng tiềm năng, các dự án đang trong giai đoạn khởi động. Vì vậy, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, ngân sách đầu tư vào vùng đất Tây Nam huyện Đại Từ phát huy hiệu quả thì cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp an toàn, làm du lịch văn hóa đến việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nhà đầu tư để bàn giao mặt bằng thu hút các dự lớn. Chỉ có như vậy mới gỡ bỏ được những rào cản để tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng Tây Nam "cất cánh"…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin