Bắt tay vào thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã Thần Sa (Võ Nhai) lên tới 43,4%, tăng 29,19% so với năm 2021. Đây là thách thức không nhỏ đối với một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn như Thần Sa.
Trong thời gian tới, xã Thần Sa sẽ triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp người dân thoát nghèo. |
Thần Sa có diện tích tự nhiên trên 10 nghìn ha, nằm cách trung tâm huyện Võ Nhai hơn 40km. Xã có dân số trên 2,8 nghìn người, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Thần Sa đã chủ động triển khai các phải pháp phù hợp với thực tế, như: Tăng cường hỗ trợ người nghèo chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất, xóa nhà tạm… Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo.
Chỉ tính riêng năm 2021, xã Thần Sa đã triển khai hỗ trợ 19 con bò sinh sản, 8 con bò nuôi thương phẩm, 16 con lợn, 160 con gà, 5 công trình vệ sinh… cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ 4 hộ gia đình nghèo xóa nhà tạm; triển khai hỗ trợ hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên 800 triệu đồng theo chính sách an sinh của Nhà nước; hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ của toàn xã đạt trên 10 tỷ đồng…
Qua đó, năm 2021, Thần Sa đã giảm được 44 hộ nghèo, tương đương 6,17%. Tính chung trong giai đoạn 2016-2021, toàn xã giảm trên 30% hộ nghèo, xuống còn 14,21%.
Tuy nhiên, qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, xã Thần Sa có tới 273 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 43,4%, tăng 29,19% so với năm 2021. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, cho hay: Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với chính quyền và người dân địa phương. Bởi Thần Sa tuy có diện tích tự nhiên lớn nhưng lượng đất canh tác của người dân lại nhỏ, phần đa là núi đá vôi nằm trong rừng đặc dụng.
Các mô hình kinh tế trên địa bàn xã Thần Sa được đánh giá có quy mô nhỏ, dễ chịu tác động bởi dịch bệnh, giá cả thị trường… |
Không chỉ ít đất canh tác, nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã chỉ cấy được một vụ do phụ thuộc vào nước mưa. Mỗi năm, nông dân Thần Sa chỉ gieo trồng hai vụ được trên 250ha lúa, ngô với sản lượng khoảng 1,4 nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó, nguồn thu của người dân còn bấp bênh; mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; người dân vẫn chậm thay đổi tư duy canh tác, sản xuất theo lối cũ; nguồn lực đối ứng trong nhân dân còn hạn chế…
Đơn cử như Thượng Kim, là xóm được đánh giá khó khăn nhất của xã Thần Sa về giảm nghèo. Cách trung tâm xã tới gần 20km, xóm Thượng Kim hiện chưa có đoạn đường nào được kiên cố hóa. Không chỉ có vậy, đường trục chính của xóm đi qua trên 10 khúc suối nên thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Qua mỗi đợt mưa lũ, nhiều đoạn đường bị tàn phá, ảnh hưởng lớn tới việc giao thương, đi lại của bà con. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, xóm Thượng Kim hiện có 33 hộ nghèo.
Ông Triệu Văn Kim, Trưởng xóm Thượng Kim, chia sẻ: Toàn bộ người dân Thượng Kim đều là người dân tộc Dao, trong đó chỉ có khoảng 50% số hộ có đất trồng lúa với diện tích nhỏ, từ 3-5 sào/hộ. Người dân Thượng Kim sống chủ yếu nhờ rừng, nhưng nguồn thu cũng rất bấp bênh bởi đa phần diện tích rừng bà con quản lý là rừng phòng hộ. Đó là nguyên nhân khiến cả giai đoạn 2016-2021, chỉ có 2 hộ trong xóm thoát nghèo.
Không riêng Thượng Kim, các xóm còn lại của xã Thần Sa cũng gặp phải nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo. Như Ngọc Sơn 2, được đánh giá thuộc nhóm dẫn đầu trong công tác giảm nghèo khi kết thúc giai đoạn 2016-2021, xóm chỉ còn 3/47 hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Ngọc Sơn 2 có tới 21 hộ nghèo, chiếm gần 45%.
Ông Dương Văn Chiến, Trưởng xóm Ngọc Sơn 2, nói: Bên cạnh trồng cây nông nghiệp, bà con trong xóm còn phát triển gần 30 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dúi, cày vòi… Nhờ vậy, trong giai đoạn 2015-2021, cả xóm đã có gần 20 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế trong xóm đều manh mún, quy mô nhỏ, dễ chịu tác động bởi dịch bệnh, giá cả thị trường… nên công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thần Sa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu hằng năm giảm từ 5% hộ nghèo trở lên. Và để thực hiện chỉ tiêu này, theo ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Tuấn: Dù còn nhiều khó khăn nhưng Thần Sa quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Thời gian tới, xã sẽ tập trung vào nhóm giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con; định hướng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin