Đối thoại với doanh nghiệp: Lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ

Việt Bắc 08:12, 13/09/2022

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong tháng 8 vừa qua, hầu hết các sở, ngành, địa phương tại Thái Nguyên đều đã tổ chức hội nghị đối thoại để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Bên cạnh những hiệu quả tích cực, thông qua các hội nghị đối thoại này cũng đặt ra không ít vấn đề, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết.

Theo phản ánh của DN, tuy giá một số vật liệu xây dựng đã tăng đáng kể, nhưng nhiều tháng liền, thông báo giá của liên sở Tài chính - Xây dựng vẫn không thay đổi.

Được tham gia hội nghị đối thoại của các sở, ngành, địa phương, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là có nhiều vấn đề được DN quan tâm, phản ánh. Có những hội nghị tiếp nhận tới vài chục ý kiến. Do thời gian có hạn nên một số DN không thể đặt câu hỏi trực tiếp, mà phải chuyển bằng phiếu hỏi… 

Điều này cho thấy, trong quá trình hoạt động, DN trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm tháo gỡ. Nhất là sau hơn 2 năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, làm hạn chế hoạt động tiếp xúc, đối thoại của hầu hết các sở, ngành, địa phương.

Để việc đối thoại mang lại hiệu quả, có sự tham gia của đông đảo DN, các sở, ngành, địa phương đều đã phối hợp và thông qua hiệp hội, hội DN tại địa phương để tiếp nhận, tổng hợp các vấn đề được quan tâm. Trên cơ sở này, đơn vị có sự chuẩn bị trước câu trả lời, để thông tin, giải đáp tới DN một cách nhanh chóng, rõ ràng nhất. Cách làm này được cho là phù hợp, tiết kiệm được thời gian cho cả người hỏi và người được hỏi. Nội dung trả lời tại buổi đối thoại cũng được xem là căn cứ để DN triển khai, thực hiện.

Một số vấn đề nổi bật được đưa ra tại các hội nghị đối thoại có thể nhắc đến như việc báo giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng không cập nhật kịp thời theo giá thị trường đã khiến DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. 

Hay tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với đất làm vật liệu san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cũng như tăng chi phí đầu vào của nhà thầu… 

Trước đó, những vấn đề này đều đã được DN phản ánh nhưng có thể chưa đến được với cơ quan chức năng nên chưa được giải quyết thỏa đáng. Sau khi nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đều đã tiếp nhận và cam kết sẽ sự phối hợp với sở, ngành liên quan để tham mưu, xem xét, giải quyết kịp thời.

Tại các hội nghị đối thoại, DN đưa ra nhiều ý kiến và đề nghị được quan tâm giải quyết sớm.

Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Minh Trâm (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Qua các buổi đối thoại đã giúp DN hiểu hơn về các sở, ngành, địa phương. Từ đó tạo sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tôi mong việc đối thoại được duy trì theo định kỳ 6 tháng/lần. 

Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng: Bản thân các DN cũng cần mạnh dạn và trách nhiệm hơn với chính mình. Có khó khăn gì thì phải lên tiếng. Đừng vì ngại va chạm mà không dám nói ra, đợi DN khác “kêu” hộ mình. Khi được mời, DN nên cố gắng tham gia để nắm được tình hình chung, đến khi gặp khó khăn, vướng mắc tương tự sẽ biết cần phải làm thế nào.

Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Mặc dù tại hội nghị đối thoại, nhiều nội dung không thuộc ngành chủ quản phụ trách, nhưng với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh, chúng tôi vẫn tổng hợp đầy đủ ý kiến của DN để báo cáo UBND tỉnh. Mặc dù những ý kiến đưa ra có nội dung đúng, có cái chưa đủ thông tin, song chúng tôi vẫn thấy có phần trách nhiệm của mình ở đó. Đơn cử như việc DN đề nghị sớm có cổng kinh doanh và thương mại điện tử; cần minh bạch về thông tin… Trong khi đó, Thái Nguyên đã có Cổng thương mại điện tử từ năm 2008 và các thông tin đều được Sở Công thương đăng tải trên trang wed của đơn vị. 

Từ thực tế này, trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ phải làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, cá nhân đồng chí Giám đốc Sở Công thương đã công khai số điện thoại để nếu gặp khó khăn, vướng mắc, hay có gì cần phản ánh, DN có thể gọi để trực tiếp trao đổi.

Là một trong những sở tổ chức hội nghị đối thoại và được DN đánh giá là khá bài bản, ngoài các thành phần tham gia là toàn bộ ban giám đốc, trưởng, phó các phòng chuyên môn, Sở Tài chính còn mời đại diện lãnh đạo Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường - đây đều là những đơn vị có ít nhiều liên quan đến các hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính. Chính vì thế, với gần ½ số câu hỏi được hỏi tại Hội nghị liên quan đến lĩnh vực thuế và các lĩnh vực khác, các DN đều nhận được ngay câu trả lời…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì các hội nghị đối thoại với DN trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Vẫn còn số ít nội dung liên quan đến vấn đề giao thông vận tải, xây dựng mặc dù đã được cơ quan chủ quản trả lời, song DN vẫn chưa thấy thỏa đáng nên tiếp tục có ý kiến thông qua Hiệp hội DN tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành do áp lực về thời gian phải hoàn thành nên trong ngày 30-8, có ít nhất 5 sở, ngành, địa phương cùng tổ chức đối thoại. Điều này khiến việc tham gia đối thoại của nhiều DN, hiệp hội, hội DN trở nên quá tải. Ngoài ra, tại các hội nghị này, chưa có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, để việc tiếp nhận thông tin của DN được đầy đủ và có sự chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời…

Có thể thấy, việc đối thoại của các sở, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là việc làm hết sức quan trọng và cần được duy trì định kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà DN mong mỏi đó chính là chất lượng, hiệu quả đối thoại và những chuyển biến sau đó. Có như thế, mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN trên địa bàn hoạt động mới đạt được như mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đề ra.


Từ khóa:

đối thoại

doanh nghiệp