2 ngày đầu thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT: Nghiêm túc hơn nhờ "hai không"

18:05, 30/05/2007

Kỷ luật phòng thi được xiết chặt. Cuối các buổi thi không còn tình trạng tài liệu vứt bừa bãi trong phòng thi như những năm trước. Xung quanh khu vực thi không thấy bóng dáng các phụ huynh HS. Có lẽ chưa có kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nào từ trước tới nay của Thái Nguyên lại có ít thí sinh bị kỷ luật như lần này.

* Ngày thi đầu tiên chỉ có 3 thí sinh bị đình chỉ

Theo quan sát của chúng tôi tại 7 điểm thi: Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Chu Văn An, bán công Việt Bắc, Lương Phú, Phú Bình và 2 hội đồng thi bổ túc ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Phú Bình và CĐ Thương mại-Du lịch, kỷ luật phòng thi được xiết chặt. Cuối các buổi thi không còn tình trạng tài liệu vứt bừa bãi trong phòng thi như những năm trước. Xung quanh khu vực thi không thấy bóng dáng các phụ huynh HS. Ngay như ở điểm thi THPT Lương Phú do mới xây dựng, nhà dân ở rất gần, chưa có tường bao xung quanh, thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT rất lo lắng, yêu cầu địa phương phải bố trí thêm công an, bảo vệ nhưng qua 2 ngày thi không thấy bất cứ ai lai vãng ở khu vực này. Nhiều năm theo dõi các kỳ thi tốt nghiệp của tỉnh, chúng tôi thấy các bậc phụ huynh HS ở Thái Nguyên rất nghiêm túc, không có hiện tượng trèo rào, ném bài. Điều đó cho thấy ý thức của các bậc phụ huynh HS rất tốt, đó chính là hàng rào vững chắc nhất để kỳ thi diễn ra an toàn.

Chắc chắn nghiêm túc hơn

Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Thái, Thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT giám sát tại Hội đồng thi THPT Phú Bình. Theo ông Thái: “Quan điểm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng được thống nhất từ Bộ GD-ĐT, quán triệt đến tất cả đội ngũ những người làm thi, phụ huynh, các thí sinh. Do vậy, đã có sự chuyển biến mạnh từ ý thức đến hành động của mỗi thí sinh. Kỳ thi này, các thí sinh vào phòng thi với một tâm thế khác hẳn, đó là nghiêm túc hơn rất nhiều. Với quan điểm phòng ngừa là chính, các giám thị nghiêm túc thực hiện quy chế thi, mọi thí sinh đều không được mang bất cứ vật dụng nào ngoài quy định vào phòng thi. Vì thế, không khí các điểm thi mang đúng không khí trường thi”. Bản thân các thí sinh cũng rất có ý thức trong việc chấp hành kỷ luật phòng thi. Theo thí sinh Đào Thị Lịch, THPT Lương Phú: “Do được quán triệt rất kỹ nên em và nhiều bạn khác đều bảo nhau, cố gắng học nắm vững kiến thức cơ bản để làm bài, chứ không làm tài liệu để mang vào phòng thi”. Còn thí sinh Nguyễn Thị Ngân ở hội đồng thi bổ túc Trung tâm GDTX Phú Bình cho hay: “Sáng em dạy sớm và đọc lại những kiến thức đã ôn tập. Bọn em được các thầy cô hướng dẫn không được học tủ, học lệch như mọi năm”. Còn về công tác coi thi, theo giám thị Nguyễn Ngọc Thanh, giáo viên THCS Tân Long (T.P Thái Nguyên) coi thi tại THPT Lương Phú: “Mình không nghiêm túc với bản thân mình, chính là tự mình hại mình. Tuy coi thi nhiều năm, song tôi thấy đây là kỳ thi nghiêm túc nhất từ trước tới nay”. Đây là kỳ thi đầu tiên cả nước thực hiện cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nên ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo ông Lê Duy Vỵ, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó trưởng ban chỉ đạo, kiểm tra các kỳ thi của tỉnh: “Sở GD-ĐT đã tham mưu cho tỉnh ra Chỉ thị số 06, chỉ đạo các ngành phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tốt các kỳ thi. Các ngành đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc. Sở tổ chức 2 cuộc họp với chủ tịch các hội đồng thi để rà soát lại mọi khâu làm thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”.

Kỳ vọng đạt được mục tiêu “học thực chất, thi thực chất”

Ngoài 2.500 giám thị được huy động trong toàn tỉnh, có 90 thanh tra uỷ quyền là giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia công tác giám sát từ khâu sao, in đề thi đến coi, chấm thi, phúc khảo. 2.500 giáo viên làm nhiệm vụ ở 44 hội đồng thi theo quy định, đảm bảo có từ 2,8 đến 3,0 giáo viên/phòng thi. Mỗi hội đồng thi phải có tối thiểu giáo viên của 3 trường khác nhau đến coi thi, giữa 2 trường không được đổi chéo lãnh đạo và giáo viên coi thi. Cụ thể mỗi hội đồng thi sẽ có 2 cán bộ thanh tra của Bộ và 1 cán bộ thanh tra của Sở. Đặc biệt, để thực hiện triệt để cuộc vận động “Hai không”, Bộ GD-ĐT không dùng tỷ lệ tốt nghiệp THPT và tỷ lệ HS khá, giỏi năm học 2006-2007 để đánh giá thi đua của các tỉnh, thành về GD-ĐT. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để các địa phương chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Về đề thi năm nay nhiều thí sinh, giáo viên cho rằng không khó, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, phương pháp ra đề có sự cải tiến đó là: Thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản mới làm được bài. Loại đề này chống sự học lệch, học tủ của thí sinh. Đề có sự phân loại học sinh, nếu nắm vững kiến thức tổng hợp có thể làm đạt điểm trung bình, nếu HS nào học khá, giỏi có thể đạt cao hơn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều thí sinh không làm được bài do không nắm vững kiến thức, khâu coi thi được xiết chặt nên không thể gian lận được. Vì vậy, kỳ thi lần 2 chắc chắn sẽ đông thí sinh dự thi. Kỳ thi thử vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt có 33,82%, bổ túc THPT là 4,12%. Hy vọng kỳ thi này sẽ phản ánh được kết quả của một năm thực hiện mục tiêu “học thực chất, thi thực chất”.

Những điều cần rút kinh nghiệm

Kỳ thi tốt nghiệp lần này, các giáo viên đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn về phía gia đình, như con nhỏ để làm công tác coi thi. Do cơ sở vật chất một số trường còn thấp kém, nên nhiều giám thị phải ngủ trong lớp học, vì điểm thi xa nhà không về được và cũng để đảm bảo an toàn cho cá nhân. Thời tiết nóng nực, điều kiện ăn, nghỉ vất vả. Tuy nhiên, không có bất cứ lời ca thán, phàn nàn nào. Mọi giáo viên đều nêu cao tinh thần vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, qua 2 ngày thi vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm đó là: Nghiệp vụ làm thi của một số giáo viên chưa cao, nhất là số giáo viên THCS. Điều đó được bộc lộ rõ nhất ở khâu thu bài không khí rất lộn xộn. Hết giờ làm bài, giám thị yêu cầu thí sinh dừng bút, một giám thị thu bài, một giám thị giám sát thí sinh. Nhưng ở một số phòng thi chúng tôi vẫn thấy cảnh người thu bài cứ thu, một số thí sinh vẫn làm bài. Thời gian thu bài khoảng 5 phút, đối với những môn khoa học tự nhiên, thí sinh nộp sau cùng sẽ có thời gian làm bài nhiều hơn. Thứ hai vẫn còn tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT có công văn khẩn yêu cầu trước giờ thi, thu gom các phương tiện thu, phát sóng cá nhân và giữ tại phòng thường trực của hội đồng coi thi. Nhưng tại điểm thi bổ túc của Trung tâm GDTX Phú Bình, cuối buổi thi môn Vật lý có 2 thí sinh là cán bộ xã đến phòng xin lại điện thoại đã nộp trước giờ thi. Trong quá trình nộp, các thí sinh này cho rằng, vì nghiêm túc nên nộp điện thoại, chứ rất nhiều thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Vì kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT là kỳ thi quốc gia, ai dám chắc rằng không lộ đề ra ngoài nếu các thí sinh sử dụng phương tiện thu phát tín hiệu này.
Hôm nay, các thí sinh THPT thi 2 môn cuối cùng là Toán và Ngoại ngữ, HS nào học ngoại ngữ dưới 2 năm thi môn Địa lý thay thế. Đối với hệ bổ túc THPT sáng thi Toán, chiều thi Địa lý.