Cuộc vận động "hai không" (nói "không" với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) đã diễn ra hơn tám tháng. Thái độ hưởng ứng tích cực hay thờ ơ với cuộc vận động này bộc lộ ở các cơ sở giáo dục. Một câu hỏi đặt ra, liệu các trường học, các địa phương có thật sự đủ quyết tâm tuyên chiến với tiêu cực hay không, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2007 đã cận kề ?
Vẫn còn 161 trường ÐH, CÐ, TCCN đứng ngoài cuộc
Thực tiễn triển khai của 440 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ÐH, CÐ, TCCN) cho thấy, số lượng trường hưởng ứng cuộc vận động đã tăng hơn nhiều (so với báo cáo tại cuộc giao ban lần thứ hai). Nhận thức đã bắt đầu biến thành hành động. Cùng với việc thành lập các ban chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức hội thảo, xây dựng chương trình hành động, các giải pháp chống tiêu cực trong thi cử của các trường đều có trọng tâm, trọng điểm. Ðó là đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác coi thi, chấm thi, quản lý kết quả thi, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Nhưng đặc biệt là đổi mới cách ra đề thi, tách thi ra khỏi dạy. Ðây có thể coi là một biện pháp hữu hiệu mà nhiều trường ÐH tâm đắc.
Ở Trường ÐH Sư phạm Hà Nội, 16/20 khoa đã có ngân hàng đề thi. Còn ở Trường ÐH Ngoại thương, theo Giáo sư Hoàng Minh Châu, Trung tâm khảo thí của nhà trường đã được thành lập, có ngân hàng đề thi, để việc thi tách khỏi việc dạy. Trường tổ chức thi trắc nghiệm ngay trên máy vi tính. Nhưng kết quả đánh giá sinh viên qua hình thức thi là 60 - 70%, còn lại vẫn do giảng viên đánh giá trong suốt quá trình đào tạo.
Từ thực tiễn triển khai của trường mình, một giáo sư là lãnh đạo của Trường ÐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, ngoài việc thành lập Trung tâm khảo thí, có ngân hàng đề thi riêng, tách dạy với thi, tách dạy với chấm thi, trường còn tổ chức đối thoại với sinh viên. Cuộc đối thoại thẳng thắn giữa thầy và trò cho thấy gốc rễ của tiêu cực thi cử còn có phần do yếu tố xã hội. Các cơ sở tuyển dụng chỉ căn cứ vào bằng cấp, vào điểm số, cho nên buộc sinh viên phải "chạy" bằng được điểm cao. Mặt khác, điểm số cao hiện nay lại phụ thuộc cách ra đề thi truyền thống. Từ sự phản ánh ấy, nhà trường phải đổi mới cách ra đề thi theo kiểu ứng dụng, vận dụng. Cách ra đề này không chỉ điều chỉnh cách học của sinh viên, mà còn điều chỉnh cả mối quan hệ thầy trò, nhân cách của sinh viên. Hỗ trợ việc đổi mới cách ra đề, trường quy định các lớp không được xây dựng "quỹ sinh viên" trong thời gian có kỳ thi, sinh viên không được gặp riêng thầy với động cơ không tốt.
Không chỉ có các trường công lập, một số trường ÐH ngoài công lập cũng đồng cảm và thực chất đã nhiều năm có những giải pháp tích cực tách thi với dạy, đổi mới hình thức thi, đổi mới cách ra đề thi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật giám sát cách dạy, cách thi. Mục đích cuối cùng để sinh viên học thật, thi thật và làm thật, cũng là để tạo uy tín và thương hiệu nhà trường trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt thời kinh tế thị trường.
Ông Lê Văn Toàn (Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, từ năm 1997, trường đã tổ chức thi trắc nghiệm trên giấy. Thực tiễn cho thấy, nếu số câu hỏi quá ít, vẫn có khả năng "lộ đề", còn nếu thi tự luận thì hiện tượng trò "mua điểm" thầy diễn ra rất nhức nhối. Từ thực tiễn ấy, trường quyết định chuyển hẳn sang thi trắc nghiệm trên máy với 36 nghìn câu hỏi, hiện tượng tiêu cực giảm hẳn. Mỗi năm, ngân hàng đề thi nhà trường lại liên tục được bổ sung.
Còn Trường ÐH dân lập Hải Phòng, từ năm 1999 đã trang bị 50 camera theo dõi giảng viên, sinh viên trong dạy học và thi cử. Ðặc biệt, nhà trường có những quy định mang tính "cơ chế" trong mối quan hệ thầy, trò. Mỗi phong bì mà giảng viên nhận từ sinh viên nếu báo cáo giám hiệu, bóc ra, cứ từ 200 nghìn đồng trở lên, nhà trường sẽ thưởng cho giảng viên đó gấp hai lần và tuyên dương trước toàn trường. Ðến nay, đã có ba giảng viên nộp lại và nhà trường công bố công khai trước toàn trường, cho nên mới dứt điểm được hiện tượng "mua thầy".
Tuy nhiên, mới có khoảng hai phần ba số trường ÐH, CÐ, TCCN tham gia triển khai cuộc vận động "Hai không". Trong số này, một số trường có tham gia nhưng còn "hình thức, chiếu lệ" mà thật sự không có các giải pháp. Ðến thời điểm này, vẫn còn tới 161 trường ÐH, CÐ, TCCN không thành lập ban chỉ đạo, không có một động thái gì.
Tại cuộc giao ban cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đặt câu hỏi: Phải chăng những trường đó không có tiêu cực? Nếu vậy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẵn sàng "khăn gói" xuống tận nơi học tập kinh nghiệm. Các trường ÐH khác thì đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo phải có thái độ quyết liệt, rõ ràng với những trường đứng ngoài cuộc,"vô cảm" với cuộc vận động.
"Hai không" trong giáo dục phổ thông
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo thành lập 15 đoàn kiểm tra các địa phương trong cả nước về công tác này (sáu đoàn do lãnh đạo Bộ chủ trì, chín đoàn do các vụ chức năng thực hiện). Ðây là một việc làm cần thiết, bởi kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm 2007 này mang những đặc điểm riêng, vừa mới mẻ, vừa đa dạng.
Ðây là năm thứ hai ngành GD và ÐT mở rộng hình thức thi trắc nghiệm đối với một số môn thi, nhưng là năm đầu kỳ thi thực hiện theo tinh thần cuộc vận động "Hai không". Ðặc biệt, sau nhiều năm xóa bỏ kỳ thi thứ hai (tổ chức thi tốt nghiệp cho những học sinh bị rớt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT), năm nay ngành GD và ÐT lại chủ trương có kỳ thi này, với những lý lẽ xuất phát từ thực tiễn, mang tính nhân văn và phù hợp hoàn cảnh hiện nay. Kết quả của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh sẽ là những dữ kiện quan trọng để ngành phân tích, điều chỉnh, hoàn chỉnh chủ trương chỉ còn một kỳ thi quốc gia (dự kiến thực hiện vào năm 2009).
Mặt khác, những dữ liệu phân tích của Trung tâm thông tin (Bộ GD và ÐT) từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước (2006), cho thấy ngay tại những địa phương nổi tiếng là đất học cũng khó tránh khỏi tình trạng gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Cụ thể ở một địa phương, môn thi thứ nhất có 31 phòng thi có điểm cao từ bảy điểm trở lên; môn thi thứ hai có 76 phòng thi; môn thứ ba có 37 phòng thi; môn thứ tư có 89 phòng thi; môn thứ năm có 252 phòng thi, và môn thứ sáu có 162 phòng thi thí sinh đều đạt từ bảy điểm đến chín, mười điểm.
Những số điểm cao đồng loạt, nhưng bất thường đó, cho thấy cuộc vận động "Hai không" chắc chắn phải đối mặt với những thách thức tại kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm nay. Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác thanh tra, kiểm tra thi, năm nay cũng là năm đầu tiên ngành cử sáu nghìn thanh tra ủy quyền là giảng viên các trường ÐH, CÐ về thanh tra tại các hội đồng thi.
Giám đốc Sở GD và ÐT Ðà Nẵng Huỳnh Văn Hoa phát biểu thẳng thắn: "Giữa nhận thức và kết quả qua tám tháng triển khai cuộc vận động chưa hẳn đã đồng bộ, vì thực chất cuộc vận động này đã đụng chạm tới nhiều quyền lợi cá nhân!". Miền xuôi khó, đồng bằng khó, thì miền núi cũng khó, có khi còn khó hơn.
Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Ninh Ðỗ Văn Thuấn đã phát hiện một tâm lý khá "tế nhị": "Các trường đều quan tâm, nhưng lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp tới như thế nào để không có điều tiếng gì, mà kết quả lại chấp nhận được(?)". Kỳ thi chưa diễn ra, nhưng "tác dụng phụ" đã nảy sinh ở cả hai phía giáo viên, học sinh. Ðây đó ở các tỉnh, giáo viên lo nếu đánh giá thực chất, thì học sinh miền núi sẽ bỏ học. Số học sinh thi rớt đợt một, phải thi lại lần hai cũng phải tới gần 50%. Vậy, đợt thi thứ hai sẽ tổ chức ra sao? Có nghiêm túc như đợt một không? Hay sẽ là đợt thi "tháo khoán" như những năm trước đây nên đã tạo cho học sinh có tâm lý không cần quá cố gắng? Trước thực tế đó, quan điểm của ngành GD và ÐT khá rõ ràng: Nếu thi nghiêm túc, tỷ lệ tốt nghiệp thực chất có thể sẽ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, ngành cũng có quỹ thời gian hai tháng hè giúp học sinh ôn tập, củng cố, bù đắp những kiến thức còn thiếu. Kỳ thi lần hai không đặt vấn đề tất cả học sinh đều đỗ, không phải là kỳ thi để biến "không thành có", mà là biến cái "gần được thành được" với những học sinh có khả năng nhất định và chăm chỉ ôn luyện.
Kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh càng tới gần, sự chỉ đạo của ngành GD và ÐT càng rốt ráo, khẩn trương. Nhưng những diễn biến của kỳ thi trong thực tế tới đây, mới là câu trả lời chính xác, minh chứng cho câu hỏi: các trường học, các địa phương có thật sự đủ quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử không?