Một nửa SV không hiểu về ngành mình theo học

08:17, 12/06/2007

Khi được phỏng vấn nhanh, có đến 50% sinh viên năm thứ ba ở một lớp của một trường ÐH đã trả lời là chưa hiểu gì, thậm chí không mặn mà gì với ngành mình đang học. Một điều tra khác cho thấy, khoảng 60% số sinh viên tốt nghiệp ÐH phải đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức mới đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Lựa chọn ngành học là lựa chọn công việc gắn bó cả đời, tương lai mà mỗi cá nhân sẽ cống hiến tuổi trẻ và trí lực để khẳng định vị trí trong xã hội. Vì thế, vào đại học (ÐH) không phải là để có được "nhãn mác" của những trường nổi tiếng, những nghề thời thượng, mà vào ÐH là để phát triển khả năng, niềm đam mê đối với công việc sẽ làm sau này. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được điều đó.

Chắc chắn sẽ có "lỗ hổng" cực lớn nếu không quan tâm vấn đề thông tin cho thí sinh (TS). Do nhiều TS thiếu thông tin nên dẫn tới tình trạng, ở một số ngành, tuy cầu rất cao, nhưng cung lại quá thấp. Nhiều chuyên gia đã lấy dẫn chứng, thí dụ ngành Chế biến lâm sản thời gian qua thiếu trầm trọng đội ngũ khoa học kỹ thuật mặc dù nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương rất cao, thậm chí phải đặt hàng với các trường ÐH để đào tạo thêm kỹ sư cho ngành này theo hình thức đào tạo theo địa chỉ. Nhưng cũng không ít ngành nghề thì lâm vào tình trạng hoàn toàn trái ngược, khủng hoảng thừa nhân lực.

GS Phạm Phụ, Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục ÐH của Hội đồng Quốc gia Giáo dục nhận định, chúng ta có hơn 40.000 lưu học sinh ở nước ngoài, nhưng tình trạng chung là: ngành chúng ta cần nhân lực thì ít người học, ngành không cần thì lại đổ xô đi học, tốn kém ngoại tệ rất lớn mà chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

Thông tin từ các địa phương về tuyển sinh năm nay cho thấy, lượng TS đăng ký dự thi vào các trường ÐH, CÐ năm nay tương đương năm trước, với khoảng 1,7 triệu lượt hồ sơ. Theo đánh giá của Phó Vụ trưởng Vụ ÐH - sau ÐH (Bộ GD và ÐT) Ngô Kim Khôi, xu hướng chọn trường dự thi năm nay là TS đổ xô vào các trường "top giữa". Hầu hết, thí sinh ở các tỉnh đều ưu tiên gửi gắm tương lai của mình vào các trường ÐH, CÐ vùng. Khá nhiều tỉnh thành có số lượng hồ sơ nộp vào các trường địa phương, chiếm phân nửa tổng số hồ sơ. TS biết lượng sức - đó là nhận định của các chuyên gia phụ trách tuyển sinh của các trường. Các em đã chủ động chọn trường vừa sức hơn là trường nổi tiếng.

Ðể chủ động và điều phối được việc đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phải đổi mới được nội dung chương trình giảng dạy. Theo đó, phải đổi mới cả phương pháp giảng dạy, tài liệu học tập. Ðội ngũ giáo viên cũng phải chuẩn hóa lên mức độ tương ứng. Cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học phải đi liền với nhau. Hiện Bộ GD và ÐT đã ban hành được hơn 100 chương trình khung. Ðây sẽ là nền tảng cơ bản để các trường xây dựng chương trình đào tạo. Cùng với những hình thức phân luồng để tránh giảm tải, tạo điều kiện cho người học tiến tới mục tiêu là học ÐH, hướng đổi mới là sẽ tạo cho người học có thể vào học từ Trung cấp lên CÐ và tiến đến ÐH từ những chương trình liên thông. Các trường ÐH, trung học chuyên nghiệp cũng cần tăng cường quảng bá, cung cấp nhiều hơn thông tin về mình cũng như các ngành nghề đào tạo cho các thí sinh.