Chiều 30-7, lễ bế mạc Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 (IMO 2007) đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầy lưu luyến tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và TS Jozsef Pelikan, Chủ tịch Ủy ban tư vấn cuộc thi Olympic Toán học quốc tế.
Phát biểu bế mạc IMO 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhiệt liệt biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc của Ban tổ chức để tất cả đoàn học sinh được tranh tài trong điều kiện tốt nhất và công bằng nhất. “Cùng với những em đạt giải cao, tất cả thí sinh đều là người chiến thắng vì đã nỗ lực vượt qua kỳ thi này” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại buổi lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, Trưởng ban tổ chức IMO 2007, đã trao cờ IMO cho đại diện Tây Ban Nha, quốc gia đăng cai tổ chức IMO 2008.
Tổng kết những điểm nổi bật của kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung đã chỉ ra 4 điểm đặc biệt: thứ nhất, đây là lần đầu tiên IMO 2007 tổ chức tại Việt Nam; thứ hai: IMO 2007 là kỳ thi thu hút tới 95 quốc gia và vùng lãnh thổ - đông nhất từ trước đến nay; thứ 3: đề thi khó, lần đầu tiên không có điểm tuyệt đối và cuối cùng, đoàn Việt Nam đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay: đứng thứ 3 toàn đoàn với 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Đây là một sự kiện thế kỷ.
GS-TS Hà Huy Khoái, Phó trưởng ban Tổ chức, cho biết: Việc lựa chọn đề thi chính thức từ gần 120 đề thi của 34 nước gửi đến là cả một kỳ công; đặc biệt, vòng tuyển chọn cuối cùng để ra 6 đề thi chính thức có sự tranh luận và biểu quyết của tất cả trưởng đoàn tham dự kỳ thi. Ông “bật mí”: Khi biểu quyết đề số 6 (lấy từ đề thi đề xuất của Hà Lan) – câu hỏi được đánh giá là khó nhất – tất cả mọi người đều rất căng thẳng bởi nếu bài khó quá, không học sinh nào làm được thì coi như đề thi thất bại. Tuy nhiên, vẫn có 5 em làm được; trong khi đội tuyển Hà Lan không có học sinh nào vượt qua “cửa ải” này. Vì vậy, đề thi năm nay được giới chuyên môn thống nhất đánh giá là khó và hay. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó trưởng ban Tổ chức, cho biết: Không có thí sinh nào làm được điểm tuyệt đối. Thí sinh người Nga làm bài khá nhất, nhưng cũng chỉ đạt 37/42 điểm.
Nếu như năm ngoái, đội tuyển Olympic Toán Việt Nam chỉ đứng thứ 13 trong tổng số 90 nước và vùng lãnh thổ tham dự thì năm nay, có thể nói, đội tuyển Việt Nam đã lập được “kỳ tích” khi có sự bứt phá rõ rệt về thứ hạng, trở thành đội tuyển xếp thứ 3 toàn đoàn, đứng sau Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, GS Hà Huy Khoái cho rằng, kết quả này là một thành công lớn nhưng không hề bất ngờ bởi trong lịch sử dự thi Olympic, đội tuyển Việt Nam còn có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Bên cạnh nỗ lực của chính các thành viên trong đoàn, GS Hà Huy Khoái cũng thừa nhận có yếu tố may mắn: cấu trúc của đề thi có 2 bài hình học và 1 bài đại số – đều là thế mạnh của Việt Nam nên hầu hết các em đều đạt điểm tuyệt đối trong 3 bài này.