Kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ 2007 đang bước vào những ngày nước rút. Ngày 29-6, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và Sau ĐH, Phó Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 của Bộ GD-ĐT (ảnh), đã có cuộc trao đổi về những lưu ý trong kỳ thi năm nay...
- Bà Trần Thị Hà: Năm nay, ban đề thi gồm gần 80 cán bộ, trong đó có 50% là cán bộ giảng dạy tại các trường ĐH, 50% là cán bộ giảng dạy tại các trường THPT ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Các đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi cũng đã kiểm tra trực tiếp các trường được giao nhiệm vụ sao in. Đến nay các cơ sở sao in đề thi cơ bản thực hiện đúng theo yêu cầu, bảo đảm an toàn bảo mật trong công tác sao in đề thi.
Yêu cầu của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 là kiểm tra được kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh (TS) trong chương trình SGK THPT, chủ yếu là lớp 12; không quá dài, không quá khó, không lắt léo, không đánh đố, không ra đề thi vào các phần giảm tải, cắt bỏ; phù hợp với thời gian làm bài của TS và có khả năng phân loại cao; đề thi tự luận được thay đổi mạnh theo hướng tăng việc kiểm tra tính sáng tạo, kỹ năng thực hành của TS, mỗi đề thi gồm nhiều câu hỏi riêng biệt.
* Kỳ thi THPT vừa qua, kỷ luật phòng thi, trường thi đã thực hiện rất nghiêm túc. Vậy tại kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, bộ có yêu cầu gì với các trường trong việc tăng cường kỷ luật thi cử?
- Chúng tôi đã chỉ đạo các trường phải lên phương án chuẩn bị và tập huấn cho lực lượng giám thị, hạn chế tối đa số lượng sinh viên coi thi.
Các thủ đoạn gian lận vẫn thường thấy như: dùng điện thoại di động, thi hộ, thi kèm... Tuy nhiên, năm nay có tới 4 môn thi bằng phương thức trắc nghiệm, đề thi dài, nhiều mã đề... nên gian lận sẽ khó khăn hơn; đặc biệt là hình thức gian lận bằng điện thoại di động. Cũng phải nói thêm là trong công văn đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Công an phối hợp kiểm soát giúp việc kiểm tra gian lận, Bộ GD-ĐT có đề nghị tại các khu vực có diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, tất cả số máy trong chế độ đàm thoại có thời gian trên 30 phút đều sẽ bị lưu ý. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, sẽ lập tức bị điều tra.
Chương trình máy tính tuyển sinh năm nay cũng đã tích hợp chức năng chống gian lận trong tuyển sinh để phát hiện thi hộ, thi kèm, chống dùng giấy chứng nhận kết quả giả. Khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi, máy tính sẽ tự động xáo trộn những TS có họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán quá giống nhau để đánh số báo danh không gần nhau. Sau khi có kết quả thi, trung tâm công nghệ thông tin của bộ cũng sẽ kiểm tra lại những đối tượng này, lật lại cả hồ sơ thi tốt nghiệp THPT.
* Năm nay việc phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và cơ quan công an trong việc ngăn ngừa gian lận, thi hộ thi kèm đã triển khai như thế nào? Phía công an đã có lưu ý gì với bộ về gian lận, thi hộ... trong mùa thi năm nay?
- Phía Bộ Công an vừa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, TP triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007. Cụ thể như bố trí cán bộ cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực làm đề; cử cán bộ an ninh trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực làm đề thi; bố trí lực lượng và phương tiện thiết bị kỹ thuật để kiểm tra vòng ngoài của khu vực làm đề thi, có biện pháp giám sát bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình làm đề; cử cán bộ giám sát công tác vận chuyển, sao in đề thi tuyển sinh trực tiếp tại các cơ sở in sao đề thi; đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời phát hiện và xử lý mọi hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi tuyển sinh (thi hộ, thi kèm, dùng giấy chứng nhận giả, sử dụng công nghệ cao,...)
* Rút kinh nghiệm kỳ thi phổ thông, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì với TS để tránh những nhầm lẫn trong các môn thi trắc nghiệm?
- Thí sinh cần chú ý ghi đúng các quy định trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi làm bài, TS cần đọc kỹ yêu cầu của đề thi vì điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các em. Nếu TS còn làm nhầm, làm sai phần tự chọn sẽ bị liệt vào dạng vi phạm cố tình đánh dấu bài thi, trừ 50% tổng số điểm thi của bài thi đó.