Gian nan ''cái chữ'' lên vùng cao

10:28, 25/09/2007

Đúng ngày 5-9 khai giảng năm học 2007-2008 , Trường THCS Sảng Mộc (Võ Nhai) vẫn còn 41 học sinh (HS) chưa ra lớp, trong đó riêng ở bản Khuổi Mèo có 12 HS năm nay vào lớp 6 bỏ học.

Sau 1 tuần học, ngày 12-9 chúng tôi đến Trường THCS Sảng Mộc vẫn còn 32 HS mặc dù nhà trường đã đến tận nhà vận động nhưng vẫn chưa ra lớp. Đây là thực trạng chung của các trường thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai.

Cái đói, cái nghèo níu chân cái chữ

“Ngày tựu trường mỗi lớp chỉ có 4-5 HS đến tập trung. Trên cơ sở danh sách HS năm học trước và số HS tốt nghiệp lớp 5, toàn bộ Ban giám hiệu, giáo viên của Trường phải đến từng nhà vận động HS ra lớp. Toàn xã có 10 xóm, 2 xóm, bản xa nhất là Khuổi Mèo và Tân Lập cách trung tâm xã hơn 10 km. Ở Khuổi Mèo tuy có phân trường học tạm, nhưng số HS bỏ học vẫn cao, trong xóm chủ yếu là đồng bào người Mông sinh sống, kinh tế còn rất khó khăn. Đầu năm học 2006-2007, tỷ lệ HS ra lớp chỉ đạt 80%, sau khi Trường cùng chính quyền địa phương đến tận nhà từng HS vận động, tỷ lệ này nâng lên 96%. Nguyên nhân chính khiến các em bỏ học là do đời sống quá khó khăn. Trường có dành phòng cho các em ở nội trú, nhưng nhiều gia đình ăn không đủ, lấy đâu ra lương thực cho con mang theo để trọ học”. Đó là trăn trở của thầy giáo Nguyễn Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THCS Sảng Mộc khi nói về tình trạng HS bỏ học tràn lan.

Trước hôm chúng tôi đến Sảng Mộc, các thầy cô đã đến tận nhà từng HS vận động các em đến trường. Điều đáng mừng là ngay sau đó một số gia đình hiểu ra vấn đề và đã cho con đi học trở lại- Triệu Thị Xuân, xóm Nà Lay, HS lớp 9A là một trong số những HS đó. Khi được hỏi em có thích đi học không và vì sao em nghỉ học, Xuân trả lời rất mộc mạc: “Em rất thích được đến trường cùng các bạn. Nhưng nhà em không có người làm nên bố mẹ bảo nghỉ học. Hôm qua thầy Sỹ, thầy Tường đến nhà vận động em đi học, còn hứa cho em mượn sách. Bố mẹ em bảo các thầy vào 2 lần rồi, mày muốn đi học thì đi”.

Cùng Hiệu trưởng và thầy giáo chủ nhiệm lớp 9A Phạm Đình Sỹ, chúng tôi lội suối, vượt dốc đến nhà Triệu Thị Hoa, xóm Nà Lay vận động em ra lớp. Tuy là xóm gần nhất so với các xóm khác, nhưng cách Trường gần 7 km. Nhà Hoa chỉ có 2 chị em ở nhà, bố mẹ đi Khau Vàng đẽo nhựa trám bán để mua ngô ăn qua ngày. Thấy thầy cô đến tận nhà, Hoa chỉ biết khóc: “Nhà em không có ai đi nương, bố mẹ bắt em phải nghỉ học”. Bà nội Hoa là cụ Bàn Thị Ba bảo: “Hôm qua có đứa cùng xóm đến rủ nó đi học, nhưng mẹ nó không cho đi, vì không có ai làm nương giúp”. Nhà Hoa có 4 chị em, giờ 2 đã bỏ học. Cái đói, cái nghèo níu chân cái chữ đến với các em.

Tại Trường THCS Thượng Nung, tình trạng cũng tương tự. Theo đồng chí Vũ Viết La, Hiệu trưởng nhà trường: “Hôm khai giảng chỉ có 117 HS đến. Khi học được 1 tuần con số này tăng lên 133 em. Số HS đến trường rất bấp bênh. Vào mùa măng, mùa thu ngô HS nghỉ hàng loạt. Hiện giờ toàn trường vẫn còn 3 HS lớp 6 bỏ học, 8 HS lưu ban không đến trường”.

Lật số liệu báo cáo của các trường gửi Phòng GD-ĐT Võ Nhai, trừ một số trường dọc trục Quốc lộ 1B ít HS bỏ học, còn hầu hết các trường khác số HS bỏ học cao, cá biệt như: THCS Thần Sa chỉ có 39/50 HS lớp 6 ra lớp; THCS Vũ Chấn có 6 HS lớp 6 bỏ học....

Tình trạng học chay khá phổ biến

Ngoài hiện trạng HS bỏ học tràn lan, các trường thuộc các xã 135 của huyện Võ Nhai đang gặp phải một khó khăn lớn khác là thiếu sách giáo khoa. Theo quyết định số 1666/ QĐ-UBND tỉnh ngày 22-8-2007 về việc phê duyệt dự án đầu tư, củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, hỗ trợ phổ cập giáo dục bậc trung học năm học 2007-2008 của Sở GD-ĐT thì sẽ cấp sách giáo khoa cho HS tiểu học, THCS các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn. Kinh phí cấp sách giáo khoa cho HS các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn là 1,8 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án, nhằm huy động tối đa HS đến trường, nâng cao hiệu quả đào tạo, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở các cấp tiểu học, THCS, tạo điều kiện cho HS tái nhập học ở các cấp học, huy động trẻ em trong độ tuổi đi học tăng lên, tăng tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học, THCS và THPT.

Thế nhưng, theo đồng chí Nguyễn Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THCS Sảng Mộc “khi biết thông tin này, một số gia đình có điều kiện mua sách cho con lại mang trả cửa hàng sách. Sau này, khi Trường thông báo các phụ huynh cứ ứng tiền trước mua sách, tỉnh sẽ cấp tiền sau, phụ huynh phải ra cửa hàng mua lại sách thì... sách đã bán hết. Thư viện của Trường cũng chỉ có một số sách nhất định cho HS mượn, còn lại các em phải học chay”.

Còn theo đồng chí Vũ Viết La, Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Nung: “Tuy cho con đi học, nhưng nhiều gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên không có tiền để mua sách giáo khoa. Một số em mượn lại sách của các anh chị học trước, còn phần đông phụ huynh HS vẫn trông chờ Nhà nước cấp tiền. Vì thế, mặc dù vào năm học mới được 3 tuần, nhưng nhiều em vẫn chỉ có mỗi quyển vở ghi chép, rất khó khăn cho việc giảng dạy của thầy cô và tiếp thu của HS. Đề nghị tỉnh sớm hoàn tất các thủ tục, cấp tiền để gia đình các em mua sách”.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết Sở GD-ĐT đã có văn bản số 1225 gửi các phòng GD-ĐT yêu cầu thống kê số HS tiểu học, THCS thuộc địa bàn để có số liệu trình UBND tỉnh cấp kinh phí cho các HS thuộc diện ưu tiên theo quyết định 1666 nêu trên. Tuy nhiên, nếu nhanh nhất cũng phải đến trung tuần tháng 10 này các gia đình mới nhận được tiền mua sách.

Theo chị Hà Thị Huệ, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Võ Nhai: “Báo cáo của 19 trường THCS trong toàn huyện đến thời điểm ngày 15-9 vẫn còn 181 học sinh bỏ học, trong đó có 39 học sinh lớp 6. Với số HS bỏ học như trên ảnh hưởng rất lớn đến công tác phổ cập giáo dục THCS. Đơn cử như năm học 2004-2005, 2 xã Phương Giao và Nghinh Tường đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS, nhưng đến năm học tiếp theo (2005-2006) lại bị mất do số HS ra lớp không đúng độ tuổi. Năm học này xã Nghinh Tường sẽ không đạt được đạt tiêu chuẩn này do vẫn còn một lớp số HS đi học không đúng độ tuổi”.

Từ thực tế trên cho thấy việc đưa cái chữ lên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Võ Nhai còn lắm gian nan. Sự gian nan đó bắt nguồn từ chính thực trạng đời sống của bà con các dân tộc nơi đây còn gặp quá nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế. Sự học nơi vùng cao vì thế muốn đi lên, có thể nói cần có những cách giải quyết thích hợp, hiệu quả cả về trước mắt và lâu dài.

Trước mắt là đội ngũ giáo viên các trường, cùng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tích cực vào cuộc vận động bà con nhân dân cho con em mình đến lớp học, lấy cái chữ, học những kiến thức mai này giúp cho chính gia đình, làng bản quê hương mình thêm ấm no. Về chế độ chính sách ưu tiên cho HS ở những vùng quê đặc biệt khó khăn cần được các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Còn về lâu dài, cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở những xã đặc biệt khó khăn để bà con nâng cao đời sống, xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao trình độ dân trí. Để các bậc phụ huynh HS hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự học mà khuyến khích, động viên con em mình đến trường...