Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), tính đến trung tuần tháng 11 đã có hơn 450 học sinh (chủ yếu là học sinh lớp 8 và lớp 9) bỏ học. Nguyên nhân chính là do các em xấu hổ vì phải "lưu ban", nhất là sau khi đã lên lớp.
Sự việc bắt đầu từ đầu tháng 8, khi Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành có công văn yêu cầu Phòng Giáo dục tổ chức kiểm tra lại chất lượng của hơn 13.000 học sinh trung học cơ sở (THCS) và hơn 10.000 học sinh tiểu học trong toàn huyện, theo chủ trương "nói không" với tình trạng cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp (ngồi nhầm lớp) của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Điểm thi của lần kiểm tra này sẽ được thay thế cho điểm kiểm tra học kỳ 2 và căn cứ vào đó để tính lại điểm bình quân cả năm học của học sinh. Sau "cuộc thi" này đã có hơn 900 học sinh, trong đó có cả học sinh có học lực trung bình đã lên được lên lớp nay phải học lại lớp cũ. Và trong số đó, có hơn 450 học sinh đã bỏ học.
Điều đáng nói ở đây, tại sao UBND huyện Thạch Thành và Phòng Giáo dục không tiến hành công việc này từ cuối năm học trước mà lại để đến đầu năm học này, khi học sinh đã bắt đầu vào học lớp mới (theo đúng phê chuẩn trong học bạ là học sinh được lên lớp) mới tiến hành rà soát, kiểm tra lại.
Việc tổ chức cho học sinh yếu, kém ôn thi và thi lại để kiểm tra chất lượng là theo đúng chủ trương của Bộ GD-ĐT. Tuy vậy, việc cho kiểm tra lại chất lượng của hơn 23.000 học sinh tiểu học và THCS của lãnh đạo huyện Thạch Thành là sai quy chế của Bộ GD-ĐT.
Việc học sinh bỏ học không phải là chuyện lần đầu tiên xảy ra ở Thanh Hóa, theo thống kê của Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Thanh Hóa), năm học 2006-2007, có khoảng 2.000 học sinh các cấp bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên việc hơn 450 học sinh bỏ học ở một huyện là chuyện rất "nóng" ở Thanh Hóa.