Chất lượng đào tạo là mục tiêu thường xuyên

09:16, 22/11/2007

Nhân dịp Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) tỉnh Thái Nguyên kỷ niệm 15 năm thành lập (25/11/1992-25/11/2007), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Kim, Giám đốc Trung tâm.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, thành tích lớn nhất mà Trung tâm GDTX đã đạt được là gì và theo ông đâu là nguyên nhân quan trọng nhất để đạt được thành tích ấy?

Ông Nguyễn Ngọc Kim: Chặng đường 15 năm từ khi thành lập Trung tâm GDTX tỉnh đến nay là một hành trình không mệt mỏi để tìm kiếm và khẳng định chính mình. Tôi nói thế là bởi lẽ, từ khi Nhà nước và Bộ GD&ĐT có quan điểm chỉ đạo về mô hình GDTX, phải đến mấy năm sau, các trung tâm GDTX cấp tỉnh mới được hình thành. Sự ra đời của các Trung tâm GDTX là một xu thế tất yếu của GD&ĐT trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Trong bối cảnh đó, Trung tâm đã từng bước phát triển, khẳng định được vị thế của mình. Thành tích lớn nhất Trung tâm đạt được là về quy mô. Trung tâm đã liên kết với 23 trường ĐH, CĐ và THCN để đào tạo và bồi dưỡng trên dưới 100 lớp hàng năm. Cả Trung tâm nếu tính tất cả cán bộ, giáo viên, CNV mới có 28 đồng chí, vậy mà phải quản lý hơn 6.000 học viên, sinh viên thì quả là không dễ dàng! Điều quan trọng nhất chính là nhân tố con người. Trung tâm có một tập thể CB-GV đoàn kết nhất trí, có năng lực chuyên môn, vững vàng về lập trường tư tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt và hết sức nhiệt tình, tự giác trong công việc. Sự năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Trung tâm.

Vậy những thách thức mà Trung tâm phải đối mặt trong quá trình phát triển là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Kim: Là đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu của Trung tâm. Đó là sự bất cập giữa quy mô và cơ sở vật chất giữa nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng và khả năng của các đơn vị liên kết; giữa năng lực quản lý của một số cán bộ giáo viên với sự phát triển quá nhanh, quá nhiều các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; giữa cơ chế, chính sách và điều kiện thực tế... Nhưng với sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực cao của tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.

Vấn đề cốt yếu để Trung tâm phát triển bền vững trong những năm tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Kim: Mọi mô hình giáo dục muốn đứng vững và phát triển đi đôi với tăng quy mô phải quan tâm đặc biệt tới nâng cao chất lượng đào tạo. Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của khoa học-công nghệ, của nền kinh tế tri thức, giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy nguồn nhân lực, phát triển tiềm năng của con người, là đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà chúng ta cần có để tiến vào tương lai, đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế tri thức. Tôi rất tán đồng với quan điểm của Uỷ ban Quốc tế về giáo dục thế kỉ XXI “Mỗi cá nhân phải được trang bị để nắm các cơ hội học tập suốt đời, vừa để mở rộng kiến thức, kỹ năng để thích nghi với một thế giới đang thay đổi phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. Giáo dục giúp mỗi con người phát hiện ra và làm giàu năng lực nội sinh của bản thân để có thể tự khẳng định, thể hiện mình trong các hoạt động của cộng đồng, của xã hội...”. Tôi nghĩ sẽ đến lúc mọi người phải xoá đi ranh giới các khái niệm chính quy hay không chính quy. Cái cốt yếu là chất lượng và hiệu quả. Và bí quyết của chất lượng là ở ngay chính bản thân những người làm công tác giáo dục. Để làm được điều đó, cán bộ, ngành giáo viên, học viên phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung đang được triển khai sâu rộng trong toàn ngành GD-ĐT. Tôi nghĩ mỗi cán bộ, giáo viên đều tự giác, nghiêm túc với nghề nghiệp thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Xin cám ơn ông!