Đào tạo gần 800 nghìn nhân lực CNTT từ nay đến 2020

09:34, 03/11/2007

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đến năm 2020, theo đó, sẽ đào tạo gần 800 nghìn nhân lực CNTT các cấp độ phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.

Cụ thể, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo 140.000 người có trình độ CĐ, ĐH trở lên về CNTT, điện tử, viễn thông, trong đó một phần mười có trình độ thạc sĩ trở lên; 530.000 người có trình độ CĐ hoặc tương đương trở lên; đào tạo nghề các trình độ cho 110.000 người.

Cũng từ nay đến 2020, phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung 21.000 giảng viên CNTT cho các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề với một nửa có trình độ thạc sĩ trở lên và 38.000 giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đến năm 2015, ở bậc ĐH, CĐ phải bảo đảm tỷ lệ 15 sinh viên có một giảng viên CNTT; 70% giảng viên đại học và hơn một nửa giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên, hơn một nửa giảng viên đại học và ít nhất 10% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

Theo Bộ TT-TT, trong thời gian tới, ngành CNTT - VT phải tạo được chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo, phấn đấu đến năm 2015 đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông ở bậc đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN. 80% sinh viên theo học lĩnh vực trên tốt nghiệp ở các trường đại học trong nước có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.

Đến năm 2015, toàn bộ học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và 80% học sinh các trường tiểu học được học tin học. Tất cả học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được học tin học vào năm 2020. Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo được đẩy mạnh để đến năm 2015, tất cả giáo viên các cấp có thể sử dụng các ứng dụng CNTT hỗ trợ cho giảng dạy.

Bộ TT-TT cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện mục tiêu trên: mở rộng quy mô đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông tại khu vực các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Tại các vùng kinh tế trọng điểm, cả nước sẽ thành lập mới một số cơ sở đào tạo nhân lực; thu hút đầu tư thành lập trường đại học 100% vốn nước ngoài; liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực.

Các cơ quan chức năng, các tổ chức doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực CNTT như: chính quy tập trung, tại chức, bổ túc, đào tạo từ xa...; tăng cường chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ CNTT.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT-TT là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực CNTT.