Làm thế nào khắc phục tình trạng ''ngồi nhầm lớp''?

09:31, 30/11/2007

Năm học 2007- 2008 là năm học đầu tiên ngành giáo dục quyết tâm giải quyết tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp". Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều tỉnh tỷ lệ học sinh( HS) có học lực dưới trung bình chiếm đến hơn 60%, có những địa phương có hàng nghìn HS phải lưu ban vì "ngồi nhầm lớp".

Tuy nhiên, việc kiên quyết nói không với học sinh "ngồi nhầm" lớp lại nảy sinh tình trạng học sinh bị phát hiện ngồi nhầm lớp đã đồng loạt bỏ học. Vậy đâu là "đơn thuốc" cho căn bệnh "ngồi nhầm lớp", cũng như giải pháp "níu" học sinh "ở lại lớp", không bỏ học? Chung quanh vấn đề này, ông Trần Bá Giao - Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết:

- Hiện tượng HS "ngồi nhầm lớp" không chỉ cá biệt ở một vài tỉnh, HS cấp càng cao thì tỷ lệ yếu kém càng lớn. Kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm cho thấy, chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc, ở bậc tiểu học có gần 8.500 HS yếu Tiếng Việt (chiếm 9%); hơn 10.000 HS yếu môn Toán (chiếm hơn 10%); bậc THCS có 9.700 HS yếu (chiếm 8%), gần 1.300 HS "ở lại lớp"; Bậc THPT có 3.700HS yếu (chiếm 5%). Tỉnh Bình Định chiếm kỷ lục HS "ngồi nhầm lớp", bình quân, mỗi lớp dân lập, tư thục, bán công có 12 em "ngồi nhầm lớp". Cả tỉnh có đến hơn 10.000 HS có trình độ thực tế không phù hợp với lớp mình đang học...

- Thực tế, có những trường hợp HS không chỉ nhầm một lớp học mà có khi cả cấp học. Bộ đã có cách nào khắc phục tình trạng "ngồi nhầm lớp", thưa ông?

- Đúng là có thực tế này. Theo tôi, nguyên nhân chính của hiện tượng "ngồi nhầm lớp" chính là xuất phát từ căn bệnh thành tích ảo của ngành giáo dục. Trong việc này có lỗi của các thầy cô và nhà trường, vì thế phải chấm dứt việc các giáo viên lớp dưới bàn giao HS không đạt chuẩn kiến thức lên lớp trên.

Bộ đã hướng dẫn các sở chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp cho những học sinh này. Nếu "ngồi nhầm lớp" ở mức độ nhẹ thì làm ngay trong năm. Còn nếu thực sự không thể lên lớp được thì phải cho ở lại. Nếu có từ 20 HS trở lên và mức độ nhầm nghiêm trọng, sẽ tập trung các em thành lớp riêng.

Các em sẽ được học 2 buổi /ngày với GV giỏi đứng lớp phụ đạo cho tới cuối năm để "bắt" kịp các bạn cùng khối. Nếu số lượng HS ngồi nhầm lớp trong trường không quá lớn và mức độ không nghiêm trọng thì các em tiếp tục học ở lớp cũ, nhưng GV chủ nhiệm phải quan tâm, có biện pháp giáo dục riêng trong từng giờ học, đồng thời tổ chức cho các em học 2 buổi/ngày theo mô hình: buổi 1 học theo chương trình, buổi 2 học phụ đạo.

Sau vài ba tháng, nhiều nhất là sau một học kỳ, nếu không khắc phục được thì nhà trường và phụ huynh sẽ trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận giải pháp "chọn lớp học lại". Hiện tại, hầu hết những địa phương phát hiện học sinh "ngồi nhầm lớp" đều đã xây dựng kế hoạch phụ đạo cho các em, chủ yếu là dạy theo chương trình riêng, tập trung vào những bộ môn yếu kém.

- Những trường hợp "ngồi nhầm lớp" bị "gạt" xuống lớp dưới có phải trả học phí "học lại", thưa ông?

- Việc "ngồi nhầm lớp" không phải lỗi của học sinh, nên các em sẽ không phải trả học phí "học lại" và chi phí cho các lớp "chọn". Chắc chắn sẽ cấm tổ chức học thêm (trừ phi gia đình có nguyện vọng), hạn chế tối đa việc thu tiền học của các em học sinh này. Các địa phương phải nhanh chóng báo cáo về số lượng HS, số lớp phải học lại, bồi dưỡng và số giáo viên huy động đề nghị Bộ hỗ trợ. Trên cơ sở này, Bộ sẽ tổng hợp và trình Chính phủ có kinh phí bổ sung.

- Những ngày vừa qua, sự việc UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã tự đề ra một kỳ thi khảo sát riêng ngoài chương trình giáo dục, lấy kết quả thi thay thế điểm kiểm tra học kỳ 2, buộc học sinh lưu ban đã gây "sốc" trong dư luận. Vậy cách làm đó có đúng với chủ trương chống căn bệnh "ngồi nhầm lớp"?

- Việc tổ chức cho học sinh yếu, kém ôn thi và thi lại để kiểm tra chất lượng là theo đúng chủ trương của Bộ GD- ĐT. Tuy nhiên cách làm của lãnh đạo huyện Thạch Thành là sai quy chế của Bộ GD- ĐT. Việc đã "phê chuẩn" trong học bạ là học sinh được lên lớp nhưng lại tổ chức một kỳ thi khảo sát riêng ngoài chương trình giáo dục để "gạt" các em xuống lớp dưới là điều vô lý, không thể lấy kết quả sau phủ định kết quả trước.

- Được biết, sau "cuộc thi" này đã có hơn 900 học sinh bị "gạt" xuống lớp dưới, có 388 học sinh đã bỏ học. Vậy Bộ đã có giải pháp nào giải quyết tình trạng học sinh bỏ học hiện nay?

- Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý triệt để tình trạng HS "Ngồi nhầm lớp" để lập lại kỷ cương và tìm được chất lượng đích thực nhưng không đồng nghĩa với việc nôn nóng thực hiện. Hiện nay, Bộ đang yêu cầu các sở kiểm tra, nắm sát diễn biến tình hình và báo cáo với Bộ về số lượng chính xác HS yếu, kém; các biện pháp, hình thức và kết quả giúp đỡ HS học lực yếu kém; số lượng HS tiểu học, THCS, THPT bỏ học (phân loại theo các nguyên nhân như: học hoàn cảnh kinh tế gia đình, do thiên tai, do học lực quá yếu...); đồng thời tự đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp với từng trường, từng địa phương.

- Xin cảm ơn ông!