Theo các chuyên gia đánh giá, quý II/2007 nguồn cung nhân lực chung chỉ đáp ứng được 30%, song nguồn cầu lại tăng 142% so với quý I/2007. Đó là một trong những điểm đáng chú ý của cuộc hội thảo Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, được Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 10/11 tại Hà Nội.
Trong đó, bán hàng là nghề có nhu cầu nhân lực tăng cao nhất, với 1.600 người, tăng 447% so với quý I/2007, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán tài chính, ngân hàng tăng 383%, công nghệ thông tin tăng 375%.
Đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức tài chính, đầu tư chứng khoán, mặc dù nguồn cung nhân lực tăng lên 245% nhưng chỉ đáp ứng được 57% các vị trí công việc.
Tiếp theo đó là kế toán, tài chính, sức cung chỉ đáp ứng được 42%, lĩnh vực bất động sản và phiên dịch chỉ là 39%. nguồn nhân lực trong các ngành nghề như dệt may, da giày, gỗ… cũng đang thiếu lao động.
Bên cạnh nguồn cung nhân lực không đủ cầu, thì chất lượng nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, 50% các công ty may mặc, hoá chất, đánh giá lao động nước ta không đáp ứng được nhu cầu của họ. Một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo ít nhất 1 năm cho 90% những sinh viên được tuyển dụng.
Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Bộ đã có những nỗ lực để đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp như triển khai nhập 10 chương trình đào tạo tiên tiến trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế; một số trường bắt đầu tinh giản chương trình đào tạo lạc hậu của mình, bổ sung chương trình mới như Trường ĐH Hàng hải Hải Phòng, Trường ĐH KTQD, ĐH Ngoại thương…
Một số doanh nghiệp cũng bắt đầu tiến hành khảo sát việc đào tạo trong các trường đại học để cùng phối hợp với trường như Công ty Intel Product, Tổng cục Du lịch…
Cũng trong hội thảo này, 38 hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học đã được ký kết, chuẩn bị cho những cú bắt tay ngoạn mục, phục vụ cho việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.