GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, phản đối việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một: "Ta sẽ trả giá đắt cho việc tiết kiệm đó. Sẽ có nhiều học sinh học năm thứ nhất xong có thể bị bật ra vì không theo kịp. Nếu không đuổi, cứ tiếp tục cho sinh viên ngồi nhầm ghế, thì ta phải đón nhận cái nguy hiểm nhất là ra trường ngồi nhầm ghế".
Bản chất hai kỳ thi là khác nhau!
- Nhưng nếu các tỉnh coi thi nghiêm túc, độ vênh này sẽ giảm đi…
- Tôi không hy vọng về việc độ lệch này giảm. Nhìn vào kết quả hai kỳ thi thấy các tỉnh làm nghiêm túc hơn nhưng không đồng đều. Có học sinh bảo rằng, kỳ thi nghiêm hay không nghiêm phải hỏi học sinh. Chính chúng em mới biết sự thực hư thế nào. Tôi thấy giám thị cũng tha nhiều, rồi cũng phao trắng trường, cũng có người xin xỏ… Tâm lý 12 năm trời, chẳng lẽ đánh trượt con người ta?
Tôi thấy ở Hà Nội, kỳ thi vừa rồi nghiêm hơn trước. Nhưng chúng ta cứ làm căng mãi đâu có được. Làm sao lúc nào cũng có 6.000 giáo viên ở ĐH làm thanh tra ủy quyền của Bộ được?
- Còn lý do nào khác không, thưa ông?
- Nhưng quan trọng hơn, bản chất của hai kỳ thi này là khác nhau, nhập vào làm một là không thể. Một kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đòi hỏi học sinh “nhảy” qua một mức tối thiểu nào đó là được cấp bằng, không cần phân biệt ai giỏi, ai yếu.Và một kỳ thi ĐH quyết liệt, chỉ để chọn người tài. Rõ ràng bản chất hai kỳ thi này khác nhau.
- Nhưng nếu đề thi tốt, có câu khó, có câu dễ, thì liệu có giải quyết được những lo lắng của ông không?
- Nếu thi chung, các vị chủ trương ra đề có cấu trúc đề như sau: sẽ có 70% câu hỏi dành cho xét tốt nghiệp và 30% câu khó để phân loại và xét vào đại học.
Vậy nếu hai học sinh đều làm được 7 điểm, nhưng một học sinh làm toàn bộ câu hỏi khó trong phần thi đại học và một phần trong số câu dễ để xét tốt nghiệp THPT; một học sinh làm phần lớn câu dễ trong xét tốt nghiệp THPT với 1/3 phần câu hỏi xét tuyển ĐH thì ai giỏi hơn ai? Rõ ràng, điểm thì như nhau nhưng chất lượng học sinh lại hoàn toàn khác nhau. Lấy ai khi bảng điểm không nói lên được điều đó?
- Có trường đề nghị sẽ thi riêng một kỳ thi theo yêu cầu đào tạo của mình…
- Ồ, như vậy thì còn nói làm gì. Chắc chắn các trường đều muốn thi thêm chuyên môn của mình. Vì sao ư? Vì môn Toán của trường ĐH Sư phạm chắc chắn sẽ khác môn Toán của trường ĐH KHTN chuyên nghiên cứu về toán. Hơn nữa, nếu các trường tổ chức thi lần 2 thì lãng phí hay không lãng phí đây?
Nên để Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Vậy ông có hiến kế gì cho Bộ GD-ĐT?
- Thi tốt nghiệp THPT cần phải làm nhẹ nhàng. Anh nào cần tốt nghiệp THPT thì cấp bằng, anh nào không tốt nghiệp được thì cấp chứng chỉ hết lớp 12, khi nào muốn thi lại cũng được. Có chứng chỉ này để họ dễ đi xin việc.
Quan điểm của tôi vẫn là: Các Sở GD-ĐT nên đứng ra làm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, vậy kỳ thi này không nên làm cấp QG, mà là cấp tỉnh, do các Sở GD-ĐT chủ trì. Giáo dục cũng phải phụ thuộc vào kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương đó chứ.
Lúc này, Bộ chỉ cần nói năm nay thi môn thì gì thì Sở sẽ ra bài, tổ chức thi vào ngày giờ nào cho thích hợp. Nếu là vùng lũ, có thể lùi ngày thi lại. Còn chỗ khác cứ thi bình thường.
Không cần thiết tổ chức kỳ thi này chung trên toàn quốc, chung 1 ngày, gây khó khăn không đáng có. Cách đây 10 năm, tôi còn nhớ có tỉnh Phú Yên bóc nhầm đề, toàn quốc phải hoãn thi lại hết. Tưởng là thi được ngay, hóa ra không có đề dự bị. Sau cùng phải hoãn lại đúng 1 tuần. Khổ cho học sinh ở Côn Đảo phải vào đất liền thi do kết hợp nhiều trường lại, học sinh lục tục kéo nhau đi và về, đến khổ!
Nhưng vào ĐH thì phải khác hẳn, phải chọn cho ra người giỏi, người tài. Muốn vậy, tự các trường phải quyết định thi như thế nào, môn nào, trắc nghiệm hay tự luận, và thi vào thời gian nào. Sẽ có những trường ĐH không cần thi, và sẽ có những trường thi rất khó.
- Thế còn vấn đề tiết kiệm? Người quản lý rất kỳ vọng việc giảm chi phí khi nhập hai kỳ thi này.
- Tiết kiệm ư? Ta sẽ trả giá đắt cho việc tiết kiệm đó. Sẽ có nhiều học sinh học năm thứ nhất xong có thể bị bật ra vì không theo kịp. Có em cố sang năm thứ hai cũng có thể bị "bật bãi" vì không theo kịp, cái đó mới gọi là lãng phí.
Còn nếu không đuổi, cứ tiếp tục cho sinh viên ngồi nhầm ghế, kiểu gì cũng tốt nghiệp, thì ta phải đón nhận cái nguy hiểm nhất là ra trường ngồi nhầm ghế.
- Theo ông, việc quan trọng nhất Bộ GD-ĐT cần làm là gì?
- Bộ GD-ĐT nên thoát ra khỏi thi cử. Bao nhiêu việc Bộ phải làm chứ: thu hay không thu học phí, CT và SGK, đào tạo nghề, chuẩn thành lập trường đại học như thế nào…
- Xin cảm ơn ông!