Theo Bộ GD-ĐT, từ 1-10 đến 31-10-2007, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) đã cho 83.786 học sinh, sinh viên (HSSV) vay tiền, trong đó 66.393 HSSV vay lần đầu. Tổng số HSSV đang vay vốn là 165.554 người, với tổng số dư nợ là gần 633 tỉ đồng.
So với tháng 9-2007, trong tháng 10, khi bắt đầu triển khai Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, NHCS đã cho vay 335 tỉ đồng. Như vậy, số HSSV được vay tiền học tập tăng lên đáng kể, minh chứng về một chủ trương lớn đã bước đầu đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo báo cáo của các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT thì không có HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Ba tỉnh có số HSSV vay nhiều nhất lần lượt là Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, trong đó số vay lần đầu sau khi Quyết định 157 có hiệu lực chiếm đến 80-90% số HSSV đang vay tiền của NHCS. Ba tỉnh có số HSSV vay ít nhất, chưa đến 100 người ở mỗi địa phương, lần lượt là Hà Giang, Lai Châu và Kon Tum...
Theo NHCS, kể từ 1-10-2007, những HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp... có nhu cầu vay vốn sẽ được vay ở mức 800.000 đồng/tháng với lãi suất 0,5%/tháng. Quy định nêu trên cũng áp dụng đối với những HSSV đã kí hợp đồng tín dụng với ngân hàng mà đang giải ngân dở dang. Người vay chỉ cần viết giấy đề nghị vay vốn, nộp kèm giấy báo nhập học hoặc giấy xác nhận của nhà trường cho NHCS. Đối với HSSV đã kí hợp đồng tín dụng với ngân hàng nhưng đang giải ngân thì được vay theo mức mới mà không phải làm thêm thủ tục. Những HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động thì được vay vốn và nhận tiền vay tại NHCS nơi nhà trường đóng trụ sở. Sau khi nhận tiền vay, nếu người vay có nhu cầu chuyển tiền cho con em mình hoặc chuyển tiền học phí tới trường học thì NHCS có thể đáp ứng theo đề nghị của người vay. Những HSSV sau 1 năm ra trường, đi làm nhưng vẫn không đủ khả năng trả nợ thì tùy từng trường hợp cụ thể, NHCS xem xét cho gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.
NHCS cho rằng thủ tục cho vay vốn như trên là khá dễ dàng nhưng thực tế sau 1 tháng triển khai cho vay cho thấy có khá nhiều điểm phải bàn. Đó là việc một số trường ở TP Hồ Chí Minh chậm làm thủ tục xác nhận cho HSSV vay vốn hoặc xác nhận không đúng mẫu quy định. Nhiều trường lại yêu cầu SV về địa phương xin xác nhận, sau đó mới xác nhận cho SV. Đáng lưu ý là việc NHCS thừa nhận có chuyện một số đơn vị như trung tâm giáo dục thường xuyên, vụ, viện... khi xác nhận cho SV vay vốn không biết có đúng thẩm quyền không (?!).
Ông Nguyễn Đình Đức cho biết thêm: Khi triển khai cho vay, nhiều Sở GD-ĐT không nắm được số HSSV trúng tuyển do cơ chế quản lý HSSV và cơ chế tuyển sinh hiện nay. Cụ thể là học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 thì nhà trường không quản lý nữa. Khi học sinh dự thi ĐH, CĐ mà trúng tuyển, các trường không báo về Sở GD-ĐT mà gửi kết quả trực tiếp cho thí sinh theo địa chỉ họ đăng kí. Các thủ tục nhập học không cần sự xác nhận hay một thứ giấy tờ nào nữa của sở, phòng GD-ĐT hoặc trường nên về cách thức quản lý thì địa phương không nắm được số lượng trúng tuyển... Những khó khăn này là nguyên nhân việc đến hết 31-10-2007 mới có 8 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố, 14 báo cáo của các Sở GD-ĐT và 17 báo cáo của các trường ĐH, CĐ gửi Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai vay tín dụng đối với HSSV.
Cũng trong 1 tháng triển khai Quyết định 157 của Thủ tướng, một vấn đề phát sinh: hộ gia đình không có nhà ở thì vay thế nào ? Vấn đề không được tiên liệu trước nên gây khó khi áp dụng. Trong khi đó, nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng thủ tục vay vốn còn rắc rối. Nhiều chi nhánh NHCS yêu cầu phải có xác nhận của hội phụ nữ, tổ tiết kiệm hoặc một số tổ chức khác... làm mất thời gian của HSSV, gia đình. Giấy xác nhận của SV do phòng Công tác HSSV hoặc phòng Đào tạo các trường kí là đúng quy định nhưng ở nhiều nơi, NHCS lại yêu cầu đích danh hiệu trưởng (hoặc phó hiệu trưởng) kí thì mới làm thủ tục cho vay...
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sẽ có khoảng 500.000 - 600.000 HSSV có nhu cầu vay vốn tín dụng. So với con số nêu trên thì số tiền giải ngân cho vay trong 1 tháng qua là khá khiêm tốn. Đã đến lúc các ngành cần rà soát lại thủ tục cho vay, nhu cầu cần vay thực tế, để HSSV có hoàn cảnh khó khăn được hưởng những lợi ích thiết thực từ một chủ trương hợp tình, hợp lý.