20-11, Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày hội của giáo giới, là dịp để xã hội thể hiện sự “tôn sư trọng đạo”. Ngày nàycó ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt trong năm học 2006-2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã giành kết quả thiết thực, là một trong 6 tỉnh, thành của cả nước được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Thành quả này là sự vun đắp của lớp lớp tập thể cán bộ, giáo viên trong ngành và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi xin biểu dương, gửi lời chúc tất cả các thầy, cô giáo, cán bộ, CNVC và trên 30 vạn học sinh trong tỉnh sức khoẻ, thành đạt, hạnh phúc. Cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị và đoàn thể, nhân dân trong tỉnh đã chăm lo cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh.
Năm học 2007-2008 là năm thứ hai thực hiện cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”. Đặc biệt đây là năm đầu tiên của giai đoạn 3 năm đột phá vào việc nói không với tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Năm học thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và triển khai dạy chương trình phân ban lớp 11. Cũng là năm tiếp theo thực hiện đề án phổ cập giáo dục trung học. Năm học thứ 3 ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục 5 năm 2005-2010, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 40/ CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là dịp để các nhà trường chấn chỉnh lại nề nếp kỷ cương, đổi mới cơ bản công tác thi đua khen thưởng, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đảm bảo dạy và học phải thực chất.
Được xã hội giao phó, người thầy trong mọi thời đại đều được tôn vinh. Sự tôn vinh ấy đều xuất phát từ những đóng góp to lớn của người thầy. Người thầy càng có tâm, có tầm bao nhiêu thì sự tôn vinh ấy càng được nhân lên bấy nhiêu, bởi tất cả các gia đình đều có mối quan hệ mật thiết với nhà trường. Đặc biệt là trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, rất cần những con người có trí tuệ, đạo đức tốt, thì vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu của sự nghiệp GD-ĐT mỗi khác, song đều không nằm ngoài mục tiêu đào tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Vì thế, đòi hỏi người thầy phải có tầm nhận thức cao và cái tâm nghề nghiệp trong sáng, mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đất nước ta đang cần nhiều hơn những trí thức và lao động có trí tuệ và tay nghề, có kỹ năng và bản lĩnh, hoài bão cống hiến vì Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, ngành GD-ĐT giữ vai trò nòng cốt. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên của toàn ngành trình độ, năng lực hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang len lỏi vào sự nghiệp GD-ĐT, khiến một số cá nhân vì lợi ích riêng mà thương mại hoá quá trình dạy học. Với tư cách của người chiến sỹ của Đảng trên mặt trận giáo dục, vì “sự nghiệp trồng người”, tôi mong các đồng chí cán bộ quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ CNV trong ngành hãy phát huy truyền thống của giáo giới, tự rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, để có tầm hiểu biết toàn diện để giảng dạy, đồng thời phải có cái tâm trong sáng phải sống mẫu mực, mẫn cán với công việc, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Đối với những nhà giáo chân chính, lấy nghề dạy học làm lẽ sống thì không phải làm việc để được đánh giá, mà ý nghĩa thực sự của làm việc là để đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cho sự phát triển của xã hội. Chính mục đích ấy, niềm tin ấy nâng đỡ chúng ta, động viên chúng ta vững bước đi lên, cống hiến thật nhiều cho xã hội.