Đào tạo tiến sĩ chất lượng cao

15:46, 29/12/2007

Với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ chất lượng cao mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra từ nay đến năm 2020 thì những bất cập trong hệ thống đào tạo, tuyển sinh tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay cần được thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Việt Nam hiện có trên 14.000 tiến sĩ, 16.000 thạc sĩ, hơn 30.000 cán bộ khoa học công nghệ, 47.000 giảng viên các trường đại học và cao đẳng. Đội ngũ tri thức này đã và đang đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý và giảng dạy. Trong đề án phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước đến năm 2020, Bộ Giáo dục-Đào tạo phấn đấu đào tạo thêm khoảng 20.000 tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lo ngại là liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đưa ra không khi mà việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đang tồn tại những bất cập, yếu kém.

Có bằng tiến sĩ để được thăng tiến?!

Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, gần 70% số người có trình độ tiến sĩ đang làm quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ khoảng 30% tham gia vào công tác nghiên cứu và giảng dạy. Giải thích về nguyên nhân của thực trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, đó là xuất phát từ đánh giá của xã hội coi trọng tiến sĩ làm quản lý cao hơn tiến sĩ làm chuyên môn. Điều này đã khiến 68% cán bộ quản lý không có nhu cầu nghiên cứu mà chỉ cố gắng kiếm được văn bằng tiến sĩ để thuận lợi cho sự thăng tiến trong công việc của mình.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bành Tiến Long chỉ ra rằng, ở nước ta hiện nay đang diễn ra thực trạng là cứ nghiên cứu sinh nào sau khi học tập, nghiên cứu một thời gian là có thể trở thành tiến sĩ. Chúng ta chưa lựa chọn và quản lý việc đào tạo tiến sĩ một cách chặt chẽ. Nếu điều này tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tiến sĩ ở nước ta, đặc biệt là đối với tiến sĩ các kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Ngoài công tác tuyển sinh, quản lý tiến sĩ chưa hợp lý, thiếu tính hệ thống thì chương trình đào tạo tiến sĩ còn chưa gắn với quá trình nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy chậm đổi đổi mới. Quy trình đào tạo từ trình độ đại học trở lên có sự trùng lặp kiến thức giữa các bậc học và còn lạc hậu.

Trong các quyết định công nhận tập thể hướng dẫn giao đề tài cho nghiên cứu sinh đều ghi rõ: Nghiên cứu sinh tham gia hoạt động khoa học và chuyên môn như một thành viên của bộ môn. Nghiên cứu sinh hệ tập trung (3 năm) phải dành toàn thời gian cho công việc học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; Hệ không tập trung (4 năm) phải dành 8 tháng/năm làm việc tại cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi thi tuyển nghiên cứu sinh, nhận quyết định cộng nhận nghiên cứu sinh thì thời gian đầu hầu như nghiên cứu sinh không nhập cuộc vào hoạt động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn. Một nửa thời gian còn lại mới khởi động một cách chậm chạp, thiếu hệ thống. Do đó, nhiều chuyên đề nghiên cứu sinh thực hiện không kỹ lưỡng, vấn đề cần nghiên cứu không phản ánh rõ ràng dẫn đến tình trạng đến khi nộp luận văn tiến sĩ, nghiên cứu sinh thực hiện một cách đơn điệu, đối phó, thậm chí sao chép lại những luận văn từ các khoá trước.

Quan tâm đến chất lượng tiến sĩ

Hiện nay, giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường đại học mới đạt 14,7%; cao đẳng là 1,4%. Theo mục tiêu phấn đấu của ngành Giáo dục-Đào tạo đến năm 2010, tỷ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ phải đạt 20% và cao đẳng là 5%.

Nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiến sĩ cho đất nước, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ đại học và sau đại học (Bộ Giáo dục Đào tạo) cho rằng: “Nên bỏ thi tuyển đào tạo tiến sĩ”. Bởi thực tế, 100% nghiên cứu sinh tham gia thi hiện nay không có ai trượt mà chỉ có đỗ cao hay thấp. Đồng thời, Bộ Giáo dục Đào tạo nên để các trường đại học tự chủ trong kinh phí, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Theo đó, trường nào có đội ngũ cán bộ quản lý tốt thì chất lượng đào tạo sẽ tốt. Một bất cập nữa cũng nên được điều chỉnh là việc đánh giá năng lực nghiên cứu sinh nên chú trọng đến khả năng hoàn thành đề tài đến đâu và ở mức độ nào. Bởi vì hiện nay việc đánh giá chỉ chú trọng đến số bài báo công bố mà chưa đánh giá xem nghiên cứu sinh có hoàn thành đề tài hay không.

Ngoại ngữ cũng là vấn đề nan giải cần có giải pháp khắc phục. Do vậy, để nghiên cứu sinh có thể tham khảo được tài liệu trên mạng internet hay các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì trình độ tiếng Anh TOEFL phải đạt 500 điểm. Đối với nghiên cứu sinh đào tạo trong nước nên có từ 3 đến 6 tháng khảo sát, học tập ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Để đào tạo được nhiều tiến sĩ giỏi thì vấn đề đầu tư kinh phí cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, cử nghiên cứu sinh đi học tập tại nước ngoài sau đó trở về nước làm việc cũng cần được Nhà nước quan tâm nhiều hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Tuấn, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra ý kiến: Chất lượng đào tạo tiến sĩ là một trong những yếu tố quyết định đối với nền khoa học Việt Nam nói chung và đối với sự phát triển nhân lực khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng. Để đảm bảo hội nhập với nền giáo dục khu vực và quốc tế, trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam nên áp dụng một số tiến bộ, kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển trên thế giới sao cho phù hợp với giáo dục ở trong nước.

Giáo dục-Đào tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, vấn đề đổi mới tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ tiến sĩ có ý nghĩa góp phần thúc đẩy nền kinh tế tri thức và sự phát triển của đất nước./.