Khi học trò lạng lách đánh võng trên đường phố, đánh nhau, chửi thề và vô lễ với thầy cô thì những tiêu chí về đạo đức học sinh được đưa ra thảo luận.
Giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay được giao phó chủ yếu cho nhà trường phổ thông. Khi nó vào chương trình học thì cũng là lúc nó mang nặng tính hàn lâm và khô khan. Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá phương pháp dạy học đạo đức - công dân phổ biến là phương pháp truyền thống, truyền thụ một chiều từ giáo viên đến học sinh mà hoạt động chính của học sinh là ghi chép, thuộc lòng và trả bài theo những khuôn thước định sẵn. Điều này khiến cả học sinh lẫn giáo viên ì ạch vượt rào môn học lẽ ra không đến nỗi khó nuốt này.
Năm nay đã gần 77 tuổi, với cái nhìn của một người có hàng chục năm trong nghề công tác xã hội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh cho rằng: “Không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra những nguyên tắc chung chung để “tụng” cho trẻ nghe và bắt chúng “tụng” lại như những cái máy. Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống và bằng hành động cụ thể”.
Trong gia đình cũng như ở nhà trường hay ngoài xã hội, hành động của người lớn là những bài học “thuộc liền”. Thạc sĩ kể câu chuyện về một học sinh 9 tuổi khi thấy bà ngoại mình quan tâm chia sẻ với người khác thì tự động cháu đập con heo đất để chia sẻ số tiền trên 1 triệu đồng cho người dân bị lũ lụt. Ở đây, em học sinh này không cần phải học thuộc lòng một mớ khái niệm mà cho đến cả người lớn cũng thấy mơ hồ.
Khảo sát nhận thức về các giá trị đạo đức với 300 học sinh lớp 11, Trường Dân lập Thanh Bình cho thấy nhiều học sinh còn lẫn lộn các khái niệm với nhau như chân thành và ngay thẳng, mơ hồ với khái niệm “sống trong hài hòa”. Đây là những khái niệm được lấy từ sách “Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức nhân văn” của Bộ GD-ĐT và “Chương trình giáo dục các giá trị truyền thống” của UNESCO.
Ngay trong chương trình chương trình giáo dục công dân lớp 10, các khái niệm về giá trị đạo đức bị đánh giá là rất khó, trừu tượng và mang tính hàn lâm, không phù hợp với học sinh. Sách giáo khoa giải thích cho học sinh hiểu một vấn đề đang tìm hiểu bằng những khái niệm và từ ngữ mà học sinh chưa biết hoặc rất khó hiểu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh dẫn lời nhà giáo dục Pháp Jean Jaurens: “Người ta chỉ, và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Một môi trường không cần nhiều lời nói nhưng tác động mạnh mẽ đến cá nhân. Gương của người lớn không chửi thề, không gây gổ, không dối trá… sẽ làm cho các em tuân thủ một cách dễ dàng mà không cần kêu gọi, nhắc nhở.
Vì thế, trong gia đình, trẻ nhỏ học từ cách cha mẹ chăm sóc chúng. Từ thói quen được chăm sóc tốt về vệ sinh cá nhân thì lớn lên trẻ sẽ sống ngăn nắp. Từ việc bị phạt nặng khi nói dối và được khen thưởng khi nói thật sẽ dễ dàng sống trung thực. Ở trường học, gương thầy cô là bài học lớn nhất. Với tuổi teen, nhà giáo cần thông cảm và biết nói chính ngôn ngữ của chúng thì mới thuyết phục được. Nhà giáo phải nắm vững các giá trị ngầm đang chi phối học sinh và phụ huynh như sự sành điệu, việc chạy theo tiền, quyền…
Thạc sĩ Oanh kể một câu chuyện về sức mạnh của tiêu chuẩn ngầm. Cô có nhận một lá thư của một nữ sinh lớp 9. Em khoe rằng bạn em và em biết hết mọi thứ về tình dục, biết nhiều hơn người lớn nghĩ. Em có bạn trai nhưng chưa quan hệ vì sợ “hậu quả”. Nhưng có điều làm em băn khoăn, bức xúc đến độ viết thư hỏi nhà tư vấn, đó là “đứa nào không thử quan hệ tình dục” thì bị đám bạn coi là “không sành điệu” là “nhà quê”. Em không hề tự hỏi “làm điều đó có trái với đạo đức không” mà chỉ sợ sức ép của dư luận, của chuẩn mực ngầm phổ biến trong giới trẻ.
Ở cấp phổ thông nước ngoài, người ta thường dạy học sinh giá trị sống và kỹ năng sống. Thông qua những bài đọc vui, trò chơi, những chuyến đi thực tế, bài làm nhẹ nhàng, các em học những nguyên tắc đạo đức mà xã hội đang đề cao… Và chúng ta, không khó để học theo cách làm này trong việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho trẻ.