Giáo viên hợp đồng: Bao giờ mới có chỗ đứng xứng đáng?

11:02, 06/12/2007

Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên tham gia giảng dạy trên toàn quốc hiện nay, có một lực lượng không nhỏ, với sự đóng góp không nhỏ cho “sự nghiệp trồng người”, là đội ngũ giáo viên ngoài biên chế - giáo viên hợp đồng.

Mong muốn được gắn bó với nghề mình yêu thích, được bình đẳng về quyền lợi cũng như thu nhập là một mơ ước hết sức bình dị, nhưng thực tế hiện nay, nó lại trở nên quá xa vời đối với đội ngũ giáo viên (GV) dạy hợp đồng (hay còn có một cách gọi khác là GV hạng 2)... Không chỉ là mong muốn của những GV hợp đồng mà còn là của không ít hiệu trưởng, các nhà quản lý trong ngành giáo dục. Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân mới đây cũng cho rằng: Trong tương lai, có thể GV sẽ làm việc theo hợp đồng dài hạn và nếu dạy không tốt sẽ phải ra khỏi ngành. Việc một năm sẽ đưa ra khỏi ngành hàng ngàn GV không đạt chuẩn để đưa những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm thay thế là một việc cần làm ngay.

Những nỗi sợ ám ảnh giáo viên hợp đồng

Tốt nghiệp trường ĐH thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh năm 1998, với trình độ chuyên môn giỏi, nhưng sau 9 năm lăn lộn với nghề thầy giáo, Nguyễn Đức Dương vẫn chỉ là... GV hợp đồng. Nhớ lại ngày mới ra trường, là một chàng trai đất Hà thành, nhưng thầy Dương dám chấp nhận xông pha xuống dạy học tận một trường cao đẳng ở Quảng Ninh. Những tưởng trường thiếu GV thể dục thì chỉ cần dạy một vài năm là được thi tuyển biên chế, nhưng chờ đợi đến 6 năm trời thầy Dương vẫn chẳng thấy gì. Thực tế phũ phàng đó đã khiến cho thầy Dương vô cùng mệt mỏi, đã có lúc định nghỉ dạy. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, thầy quyết tâm tiếp tục hành trình không biết đâu là... đích. Năm 2006, thầy Dương quyết định quay trở lại Hà Nội để làm lại từ đầu. Là GV hợp đồng tại trường THCS Ngọc Lâm, thầy Dương được thoả thuận 12.000đồng/tiết, ngoài ra không có thêm bất cứ một khoản thu nhập nào và cũng không được mua BHXH. Là trụ cột trong gia đình, chẳng còn cách nào khác, thầy Dương chỉ biết miệt mài dạy học từ sáng đến chiều tối, nhưng thu nhập cũng chưa được 600-700 ngàn đồng/tháng. Sống cách trung tâm thủ đô Hà Nội có vài cây số, giá cả đắt đỏ, lại có con nhỏ nên cuộc sống gia đình thầy Dương vô cùng khó khăn. Ngay cả việc lắp một chiếc điện thoại cố định, với thuê bao mỗi tháng là mấy chục ngàn cũng không dám nghĩ đến; một bữa ăn sáng ngoài hàng cũng trở nên xa xỉ... Gần 10 năm bươn chải, vẻ mặt hăm hở, đầy nhiệt huyết của thầy Dương ngày nào đã biến mất, thay vào đó là sự mệt mỏi, hoang mang vì chờ đợi. Thầy Dương tâm sự: “Tôi rất buồn vì sau gần 10 năm lăn lộn, cống hiến hết mình với nghề, nhưng đến nay, tôi thấy mình vẫn chưa được xã hội công nhận”.

Một trường hợp khác. Cô Ng. T. T, GV hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chua xót kể lại: “Tốt nghiệp trường CĐSPHN khoa Tiểu học năm 2001, phải vất vả lắm tôi mới xin được dạy hợp đồng tại trường TH Mai Đình (Sóc Sơn). 3 năm dạy hợp đồng miệt mài với mức lương 200.000 đồng/tháng, ngoài ra không được hưởng thêm bất cứ khoản thu nhập nào khác, khiến cuộc sống tôi vô cùng chật vật. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hơn cả là nguy cơ mất việc lúc nào cũng có thể xảy ra. Thế rồi, mặc dù 3 năm dạy hợp đồng, tôi luôn hoàn thành những yêu cầu mà nhà trường đặt ra, nhưng chỉ sau khi nghỉ sinh con đầu lòng thì tôi cũng mất việc luôn, với lý do trường đã có giáo viên khác thay thế. Sinh con không được hưởng một chế độ thai sản nào, giờ lại nuôi con nhỏ trong tình trạng mất việc, hoàn cảnh của tôi đang rất bi đát...”.

Thực tế, từ nhiều năm nay, ở các cấp học, lực lượng GV hợp đồng ngày càng đông. Nỗi ám ảnh về nguy cơ mất việc lúc nào cũng thường trực tâm trí của những GV này. Họ có vô vàn thứ để sợ như: sợ nghỉ hè, sợ hết hợp đồng năm học, sợ sinh con, thậm chí, sợ cả lấy chồng thì sẽ mất việc. Nhiều GV tâm sự, mặc dù nghỉ hè 3 tháng không được hưởng lương nhưng chúng em cũng không dám nghỉ mà vẫn thường xuyên đến trường xem có việc gì để làm không, vì sợ nếu không bám sát trường thì có thể sẽ bị mất luôn cả chân hợp đồng.

Chờ đợi đến... vô thời hạn

Bà Nguyễn Thị Thịnh, hiệu trưởng trường THCS Ngọc Lâm, Hà Nội cho biết, tổng số GV hiện nay của trường là 72 người, trong đó có 11 GV hợp đồng. Năm học 2007 này, trường ký hợp đồng với 7 GV, mỗi tiết được trả thù lao 12.000 đồng. Trung bình một tuần, mỗi GV chỉ dạy được khoảng 7 tiết, cao nhất là 15 tiết. Như vậy, thu nhập của GV hợp đồng chỉ khoảng từ 450 - 700 ngàn đồng/tháng, không có BHXH và không có chế độ gì. Bà Thịnh cũng cho biết: Năm học trước trường chỉ ký cho GV hợp đồng là 10.000đồng/tiết, thu nhập bình quân của GV hợp đồng là 350 ngàn đồng/tháng. Năm nay, dù đã cố gắng hết sức nhưng nhà trường cũng chỉ có thể đảm bảo được mức lương tối thiểu cho GV hợp đồng là 450 ngàn đồng, vì quỹ lương của nhà trường có hạn. Để trả lương cho lực lượng này nhà trường cũng phải cắt bớt một số hoạt động của trường, tiết kiệm chi phí tối đa. “Với mức lương thấp như vậy, bản thân họ cũng khó có thể yên tâm khi đứng trên bục giảng. Để mưu sinh, một số GV đã phải “chạy sô”, hợp đồng cho một vài trường nữa, hoặc đi làm gia sư...” – Bà Thịnh ngậm ngùi.

Bà Đoàn Thị Mai, hiệu trưởng trường TH Phù Lỗ B (huyện Sóc Sơn) cho biết, năm học này, trường có 6 GV hợp đồng với mức lương là 450.000 đồng/người/tháng. Đề cập về chế độ của GV hợp đồng, bà Mai cũng cho rằng, GV hợp đồng phải chịu nhiều thiệt thòi so với GV biên chế. Họ không được mua BHXH, BHYT và hưởng các khoản bồi dưỡng, phụ cấp khác. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị bổ sung thêm biên chế cho nhà trường, nhưng việc làm này xem ra rất khó khăn. Phía nhà trường chỉ có thể ký hợp đồng thoả thuận với các mức lương khác nhau, còn việc thi tuyển biên chế thì “lực bất tòng tâm”. Về phía GV, với tương lai mịt mờ như vậy, rõ ràng, nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì họ không thể bám trụ trường, lớp lâu đến vậy.”

Có một nghịch lý mà nhiều trường phải gánh chịu hiện nay đó là, mặc dù, đủ về cơ số GV nhưng lại mất cân đối về cơ cấu GV. Thậm chí, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội bị rơi vào tình trạng thiếu GV trầm trọng một số môn: Sinh, Địa, Giáo dục công dân, Nhạc, Hoạ, trong khi đó một số môn như Văn, Toán, Lý lại thừa GV. Hệ quả của nó đã dẫn đến việc tuyển GV bị chéo môn đang ngày càng phổ biến ở các trường, ví dụ, như GV học chuyên ngành Toán nhưng khi thi tuyển vào trường lại thi môn… Giáo dục công dân, vì trường chỉ thiếu GV môn này. Hầu hết các trường ký hợp đồng với GV chỉ vì thiếu GV môn này, hay môn kia. Một vị hiệu trưởng trường phổ thông cho rằng, nếu các trường được phép tuyển GV thì chắc chắn không chỉ hạn chế được tình trạng thừa - thiếu GV, mà còn hạn chế được GV đứng nhầm lớp như hiện nay, bởi vì, bản thân lãnh đạo nhà trường mới là người nắm rõ nhất về cơ cấu nhân sự của trường. Ông Nguyễn Viết Thịnh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng thừa- thiếu giáo viên trong nhiều nhà trường chính là do cơ chế thi tuyển viên chức ngành Giáo dục hiện nay. Việc ký hợp đồng lao động cho GV cần phải được thực hiện theo bộ luật Lao động. Theo đó, GV nào tham gia giảng dạy được một năm học thì phải được đảm bảo các chế độ như BHXH, BHYT và một số chế độ khác, chứ không chỉ hưởng một khoản lương theo thoả thuận như hiện nay. Theo hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội thì, mong muốn không chỉ là được lên lớp đúng giờ, dạy hết tiết học mà còn phải được trau dồi chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ là nguyện vọng hết sức chính đáng của GV hợp đồng. Nhưng thực tế để gắn bó, cống hiến và sống được bằng nghề đang thực sự là cuộc vật lộn quyết liệt đối với họ. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do, chế độ ký hợp đồng với GV hiện nay không rõ ràng, mỗi nơi một kiểu. Xét trên khía cạnh kinh tế, do chế độ biên chế và hợp đồng dẫn đến nguồn thu nhập và khoảng cách giàu nghèo giữa hai nhóm giáo viên này ngày một chênh lệnh nhau. Theo thống kê thu nhập giữa giáo viên biên chế và hợp đồng chênh lệch nhau 7-8 lần.

Không thể có nhà giáo dục thực sự, nếu...

Vừa là một nhà sư phạm, vừa là một nhà quản lý, ông Nguyễn Viết Thịnh, thẳng thắn cho rằng: “Sinh vì nghiệp, tử vì nghiệp, phải để giáo viên có một “chỗ đứng” thực sự trên bục giảng thì họ mới sống vì nghề được. Nếu GV hợp đồng phải làm việc nhiều năm trong tình trạng không “tương lai” thì khó có thể có những nhà giáo dục thực sự. Lúc này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa thầy với trò, thầy với thầy…”. Ngược lại đối với những người đã vào biên chế thì một quan niệm đã ăn sâu vào đầu đó là đã vào được biên chế là chắc chân rồi, nên ỷ lại không chịu trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Rõ ràng cơ chế công chức- viên chức đối với hệ thống giáo dục đã không còn phù hợp, nhưng đến nay nó vẫn mặc nhiên tồn tại hàng chục năm nay và gây ra không ít tiêu cực xung quanh chuyện hợp đồng, biên chế.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên môn cho rằng, để tạo sự công bằng, cần có cơ chế ký hợp đồng rõ ràng cho GV hợp đồng, GV nào làm việc thực sự năng động, sáng tạo thì sẽ được trả lương xứng đáng, như vậy, mới kích thích được GV làm việc có hiệu quả hơn. Chế độ thi tuyển công chức, tuyển viên chức ngành Giáo dục cũng phải được xử lý một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn để thu hút được GV giỏi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Lương Tất Thuỳ, phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam kiến nghị: Bên cạnh chính sách vĩ mô, Quốc hội cần xem xét lại cơ chế biên chế và hợp đồng trong ngành Giáo dục theo hướng không nhất thiết phải là diện công chức đối với GV đứng lớp tại hệ thống các cơ sở giáo dục. Nên chăng cùng trình độ như nhau, cùng giảng dạy như nhau họ phải có quyền được đối xử công bằng về mức lương, các chế độ khác như GV thuộc biên chế để họ có được một chỗ đứng để cống hiến. Có thể nói đây cũng là một đòi hỏi cấp thiết đối với ngành Giáo dục hiện nay.