Chiều 17-12, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức giao ban với các cơ quan thông tấn báo chí. Một trong những vấn đề được đại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo thông báo, dư luận quan tâm và rất bức xúc gần đây là nạn bạo hành học sinh và cả giáo viên.
Ðiển hình như vụ bé Bảo Trân, 18 tháng tuổi ở Trường mầm non tư thục Thiên Thơ (TP Hồ Chí Minh) bị bảo mẫu Lê Vi dùng băng keo dán miệng chỉ vì bé khóc. Bé Trân hiện vẫn trong trạng thái hôn mê tại bệnh viện, vụ bé Trâm, học sinh tiểu học An Hiệp (Ðồng Tháp) do bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm tiền, đã giao bé Trâm cho công an tra hỏi, dẫn đến chấn thương tâm lý rất nặng...
Cá biệt, có trường hợp một học sinh ở Ðác Lắc bị tra vấn vì nghi ngờ ăn cắp tiền đã dẫn đến tự tử... Hiện tượng một cô giáo, thầy giáo bị đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, bị trù úm do đấu tranh chống tiêu cực, như trường hợp thầy giáo Ðỗ Việt Khoa, cũng xảy ra.
Trước nạn bạo hành học sinh và giáo viên, phản chiếu sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhà giáo, của xã hội, ngành giáo dục và đào tạo có một số giải pháp ngăn chặn và khắc phục. Sắp tới, ngành sẽ ban hành quy định đạo đức nhà giáo, "chuẩn giáo viên" trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên mầm non, "chuẩn hiệu trưởng" các trường mầm non, THCS, THPT.
Hiện ngành đã ban hành bảy văn bản quy phạm pháp luật với nhà giáo, chỉ đạo các địa phương một số biện pháp tích cực như các sở giáo dục và đào tạo các địa phương, các trường ÐH, CÐ, các cơ sở giáo dục phải phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hiện tượng xúc phạm nhân phẩm trẻ em, học sinh, bạo hành trong nhà trường.
Các cơ sở giáo dục tổ chức các giáo viên học tập, thảo luận những việc không được làm trong hành vi giáo dục trẻ, xây dựng phòng ngừa những hành vi vi phạm cảm hóa những học sinh chưa ngoan. Xây dựng cơ sở vật chất trường học, bảo vệ môi trường học đường.