Chưa bao giờ tình trạng học sinh lại bỏ học nhiều như hiện nay. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ tính riêng 5 tỉnh có con số báo cáo sớm, có tỉnh số lượng học sinh bỏ học đã lên đến trên 10.000.
Hàng vạn học sinh bỏ học
Chuyện nóng sốt nhất có lẽ bắt đầu từ huyện Thạch Thành, Thanh Hóa khi 13.000 học sinh THCS và hơn 10.000 học sinh tiểu học toàn huyện phải kiểm tra lại chất lượng theo chủ trương “nói không với ngồi nhầm lớp”. Kết quả, hơn 900 em đã phải ở lại lớp và 450 em trong số này đã bỏ học. Và cũng không riêng Thanh Hóa, tại nhiều trường trong cả nước, tình trạng bỏ học đang có chiều hướng gia tăng và rất đáng báo động. Theo thống kê của một số địa phương vừa gửi về Bộ GD-ĐT trong tháng 11, con số học sinh THPT và THCS bỏ học lên tới cả vạn em.
Theo Bộ GD-ĐT, đến hết ngày 4-12 đã có năm tỉnh gồm Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Nghệ An và Ninh Bình đã có báo cáo cụ thể con số học sinh bỏ học. Tại Hà Tĩnh, tính đến tháng 11, toàn tỉnh đã có hơn 700 học sinh bỏ học. Trong đó có 141 em thuộc khối THPT, khoảng 600 em ở khối THCS và tiểu học. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh thống kê thì có tới 406 học sinh bỏ học do học lực yếu kém.
Tại Nghệ An, tính đến tháng 11, toàn tỉnh có hơn 10.000 học sinh bỏ học, trong đó tiểu học gần 400 em, THCS hơn 400 em, THPT và bổ túc THPT là hơn 5.000 em. Số học sinh bỏ học vì học lực yếu kém là 206 em, số còn lại do chán học và một số nguyên nhân khác. Một số tỉnh khác như: Bắc Ninh, Bắc Cạn, Điện Biên, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Đồng... hiện vẫn chưa gửi con số thống kê cụ thể cho Bộ GD-ĐT nhưng theo tổng kết của năm học trước, con số bỏ học cũng khá cao.
Chẳng hạn tỉnh Bình Định, trong nửa đầu năm học 2006-2007, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 học sinh bỏ học (gồm 1.484 THPT, 1.035 THCS, 56 tiểu học). Nguyên nhân là do học lực yếu kém, gia đình thiếu quan tâm, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Theo kiểm tra, đánh giá mới nhất của Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 11 này, tình trạng học sinh bỏ học chỉ tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Còn tại các TP lớn, tình trạng học sinh các cấp bỏ học không đáng kể.
Sẽ có các lớp học riêng cho các em bỏ học
Theo Vụ Giáo dục THPT (Bộ GD-ĐT), tình trạng bỏ học hàng loạt đã có từ năm ngoái nhưng tăng đột biến vào năm nay. Vì thế, ngày 14-11, Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương thống kê số lượng học sinh các cấp bỏ học và phân loại theo nhóm nguyên nhân: Bỏ học do hoàn cảnh khó khăn; bỏ học vì học lực yếu và bỏ học vì một số lý do khác để có phương án giải quyết hợp lý.
Theo đó, giải pháp đưa ra với nhóm học sinh bỏ học do học lực yếu kém, không đủ khả năng lên lớp là vận động gia đình và học sinh để các em quay trở lại lớp. Với các học sinh yếu kém sẽ được tổ chức những lớp học riêng nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức trong một thời gian, sau đó sẽ chuyển lại lớp cũ hoặc chuyển các em sang học hệ đào tạo bổ túc.
Đặc biệt, đối với những học sinh bỏ học thuộc cấp trung học, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên, một số cơ sở dạy nghề ở địa phương phải tiếp nhận các em và thu hút tối đa số học sinh này vào học. Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, sẽ không có việc các em thất học vì hiệu ứng của chủ trương “hai không” mà chỉ là chuyển các em sang đào tạo bổ túc hoặc học nghề.
Hiện tại, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, một số trường ở nhiều địa phương đã tự phân loại nguyên nhân bỏ học của các học sinh theo nhóm để bố trí lớp học riêng cho các em. Nhiều học sinh đã quay lại lớp cũ. Chẳng hạn như tại trường THCS Thạch Sơn (Thạch Thành, Thanh Hóa), đến nay nhiều em đã hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức để quay lại lớp cũ.