Tiến độ thực hiện quá chậm

04:03, 24/12/2007

Theo Đề án Phổ cập Giáo dục bậc trung học (PCGDBTH) giai đoạn 2005-2015, T.X Sông Công được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh, lộ trình trong năm học 2006-2007 phải hoàn thành. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà địa phương này không thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học (PCGDBTH) nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đảm bảo hầu hết thanh, thiếu niên trong tỉnh đã tốt nghiệp THCS đến hết 21 tuổi đều đạt trình độ học vấn trung học. Đây là yếu tố số một nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đảm bảo cho Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn PCGDBTH trong toàn tỉnh. Mục tiêu là vậy, nhưng tiến độ triển khai Đề án PCGDBTH quá chậm, một số địa phương được đưa vào thực hiện điểm không đạt được mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân....

Thứ nhất, không đạt được tiêu chí đề ra là 50% số trường tiểu học, 40% trở lên các trường THCS, 1 trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và ít nhất 2 trường THPT phải đạt chuẩn Quốc gia ở thời điểm kiểm tra. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các trường chưa đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học, bậc học không phải nằm ở vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng dạy mà do cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nhiều trường thiếu các phòng học bộ môn, khu hiệu bộ, sân chơi, tường rào...

Ngoài những nguyên nhân kể trên, khó khăn lớn nhất vẫn là vận động những người trong độ tuổi phổ cập ra lớp. Tuy toàn Thị xã có gần 1 nghìn đối tượng phải tổ chức học bổ túc, nhưng phần lớn thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng đi kiếm sống, không ít người hiện đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương. Vận động số đối tượng này trở về địa phương học là điều không thể, bởi trung bình mỗi tháng học đi làm thu nhập từ 500-700 nghìn đồng, nghỉ làm về đi học lại trong vòng từ 1-2 năm họ làm gì kiếm sống. Đây là yếu tố bất khả kháng đối với các địa phương. T.X Sông Công không hoàn thành kế hoạch theo mục tiêu Đề án đề ra. Những khó khăn mà T.X Sông Công gặp phải cũng là khó khăn mà tất cả các địa phương trong tỉnh đều gặp khi thực hiện PCGDBTH. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án PCGDBTH trong toàn tỉnh cho thấy bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, đó là tiến độ triển khai đề án quá chậm. Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân về công tác phổ cập giáo dục bậc trung học có nhiều hạn chế. Một số địa phương chứ tích cực chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Ngoài ra, để hoàn thành phổ cập, một tiêu chí rất quan trọng là phải có đủ số trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhưng hiện nay, hầu hết các trường thuộc địa bàn thành phố, thị xã không được công nhận trường chuẩn do diện tích quá hẹp, việc mở rộng trường học gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Chưa kể kinh phí dành cho công tác PCGDBTH thấp... Những hạn chế trên về khách quan do Bộ GD-ĐT chậm ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn PCGDBTH. Đến nay mới có tiêu chuẩn tạm thời, trong đó có những chuẩn khó có khả năng thực hiện được.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh đã có sự điều chỉnh về mặt tiến độ trong công tác PCGDBTH đối với các địa phương, cụ thể: Đến năm 2010, 3 đơn vị là T.X Sông Công, huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên phải hoàn thành PCGDBTH, từ năm 2011 đến 2015 các huyện còn lại. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các địa phương cần nhanh chóng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, phường, thị trấn. Củng cố và duy trì thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS, tạo điều kiện học tập THPT, THCN và dạy nghề cho đối tượng từ 15-21 tuổi. Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục trung học, đảm bảo để mọi học sinh được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và kỹ năng cơ bản. Đặc biệt, thực hiện tốt phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS theo hướng học văn hoá, vừa học văn hoá vừa học nghề. Đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm vào các loại hình trường. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong thực hiện PCGDBTH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trước hết là đối tượng trong độ tuổi từ 15-21 đã bỏ học vào các lớp học phổ cập. Mặt khác, tiếp tục củng cố mạng lưới các trường THPT hiện có. Có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia.