Về chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008- 2010, Thủ tướng Chính phủ vừa có 5 yêu cầu cho ngành giáo dục với tinh thần chung là nâng cao tính khả thi, hiệu quả và đóng góp của GD-ĐT vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
1. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, đặc biệt là ở đại học. Tạo bước đột phá về dạy nghề và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Phấn đấu tăng chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2010 lên 50%.
Tạo điều kiện để thu hút các thành phần kinh tế và người học tham gia, hỗ trợ công tác đào tạo, nhằm tạo sự chuyển biến thực sự, nhảy vọt về đào tạo nghề và dạy nghề theo nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng lao động cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong và ngoài nước nói riêng.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng cơ cấu hợp lý, thống nhất, mở, liên thông; đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của nhân dân. Chuẩn bị phương án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để xây dựng bốn trường đại học đạt trình độ quốc tế.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT và cơ quan quản lý giáo dục các cấp; trong đó chú trọng việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
4. Xây dựng chính sách tài chính cho giáo dục theo hướng Nhà nước tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa cho giáo dục; ưu tiên đầu tư ngân sách bảo đảm giữ mức tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và có thể tăng thêm lên đến 21%-22%; gắn với việc phải quản lý tốt, đầu tư có hiệu quả; thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, xác định rõ các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập (cả ở đại học, dạy nghề và phổ thông), trước hết về đất đai và vốn. Xác định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí thành lập cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội tham gia vào công tác thành lập trường theo quy hoạch phát triển của Nhà nước.
5. Về học phí: Đối với giáo dục mầm non và phổ thông ở các trường công lập, ngân sách nhà nước là nguồn tài chính chủ yếu để đảm bảo chi phí của quá trình đào tạo. Học phí là sự đóng góp một phần nhỏ của người dân, phù hợp với khả năng chi trả của các gia đình, để chia sẻ chi phí đào tạo với Nhà nước.
Đối với đào tạo nghề nghiệp từ trình độ sơ cấp đến đại học ở các trường công lập, học phí là sự chia sẻ quan trọng của người học trong chi phí đào tạo. Nhà nước thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với đối tượng nghèo, diện chính sách, cho vay để học nghề các trình độ. Các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập phải tuân thủ các quy định về chất lượng của Nhà nước và tự quyết định mức học phí.