Cho sinh viên vay vốn: Chính sách có nhiều ý nghĩa

14:29, 28/01/2008

Sau 3 tháng triển khai Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách và Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã tiến hành sơ kết. Kết quả bước đầu khẳng định chính sách này đã được thực hiện hiệu quả và thể hiện nhiều ý nghĩa lớn.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, chưa bao giờ các cơ quan bộ ngành phối hợp thực hiện tốt như hiện nay; Ngân hàng Chính sách cũng thực hiện rất tốt. Kết quả ban đầu có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Trao đổi trong các chuyến làm việc với các bộ trưởng giáo dục quốc tế, các nước bạn đều rất ngạc nhiên về chương trình này. Vì đây là một chương trình quốc gia, hiện có hơn 600 ngàn học sinh và sinh viên vay, so với tổng cộng 3 triệu học sinh, sinh viên. Một số nước châu Á đã triển khai nhưng thu hồi nợ gặp khó khăn, trong khi đó các nước Âu - Mỹ không thể có được một chương trình quốc gia cho vấn đề này.

Nguồn vốn đủ, cho vay hết

Báo cáo của Bộ Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngay sau khi Thủ tướng có quyết định, Bộ Tài chính đã chuyển ngay cho Ngân hàng Chính sách 500 tỷ đồng để có nguồn cho sinh viên vay. Bộ Tài chính cũng đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để làm nguồn vốn cho vay. Tính đến nay, sau 3 tháng triển khai, Bộ Tài chính đã cấp nguồn vốn lên đến 2.500 tỷ cho chương trình này.

Về phía cho vay, tính đến cuối năm 2007 dư nợ cho vay học sinh, sinh viên đạt 2.803 tỷ đồng với 630.159 sinh viên đang vay. Trong đó, doanh số cho vay từ 1/10/2007 theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ đạt 2.504,6 tỷ đồng với 596.354 học sinh - sinh viên đang vay vốn.

Bộ Tài chính nhận định, chính sách tín dụng này đã thực sự đi vào cuộc sống, vốn vay của Nhà nước đã giúp hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên có đủ kinh phí trang trải học phí và sinh hoạt phí để theo học, giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện cho con em đi học. Khảo sát của Bộ Tài chính cũng cho biết, đa số nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích vào việc học tập và sinh hoạt phục vụ học tập. Sai phạm về sử dụng nguồn vốn, cho vay sai đối tượng rất thấp chỉ ở mức dưới 1%.

Khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại 103 trường thực hiện chương trình cho vay thì hầu hết các thủ tục đều được thực hiện nhanh chóng, đúng đối tượng và đúng mục đích. Chính sách tín dụng nhận được sự ủng hộ của người dân. Con số sai sót chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với kết quả này, rất nhiều địa phương đề nghị được mở rộng đối tượng cho vay, nhất là đối với hộ gia đình có nhiều con đi học cùng một lúc.

Tính toán để cho vay hiệu quả, bền vững

Con số mới nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vốn vẫn là nỗi lo lâu dài. Trung bình, học sinh - sinh viên vay vốn sau 4,5 năm mới bắt đầu phải trả nợ. Vì vậy, khối lượng sẽ tăng dần qua các năm và có khả năng lên đến 25.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến quy mô đào tạo tăng lên, thời gian trả nợ kéo dài... khiến cho nguồn ngân sách cấp bù sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, những nỗi lo về kiểm tra và giám sát vốn vay chưa được thực hiện chặt chẽ, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách chưa chuẩn xác về lâu dài có thể gây khó khăn về cho vay và thực hiện thu hồi nợ.

Trong khi đó, về phía nhà trường cũng gặp những khó khăn như việc theo dõi đánh giá sử dụng vốn vay còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp. Nhà trường chỉ là nơi xác nhận nhu cầu còn vốn vay lại ở địa phương nên việc xác nhận sử dụng vốn thể nào là vấn đề cần được làm rõ. Vì vậy, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa nhà trường và địa phương trong thực hiện chính sách này.

Trước những tồn tại này, Thứ trường Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ho biết, sẽ đảm bảo vốn để cho sinh viên vay. Nếu phát hành trái phiếu chưa kịp thì sẽ tạm ứng để có nguồn vốn kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách và các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát lại văn bản, chuẩn lại các mẫu, báo cáo. Xây dựng chương trình phần mềm để kết nối ngân hàng - nhà trường và các bộ ngành phối hợp tốt hơn cả giải ngân và thu hồi nợ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Chính sách sẽ chủ trì để xây dựng các quy trình, biểu mẫu rõ ràng để thực hiện nhanh, hiệu quả và an toàn nhất. Chú trọng việc triển khai chương trình phần mềm để quản lý vay vốn học sinh, sinh viên và về lâu dài có thể mở rộng ra các loại hình tín dụng khác.

Về việc trả nợ của học sinh, sinh viên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cho vay thông qua hộ dân là rất tốt, nhưng thực sự nguồn trả sau này vẫn là các em. Các em đi làm để trả nợ. Vì vậy, trước khi ra trường các em nên làm cam kết với Ngân hàng Chính sách về trả nợ. Các em không đứng ra vay nhưng là người hưởng thụ và khi có thu nhập thì phải trả nợ. Chúng ta phải cụ thể hóa vấn đề này trong quy trình. Cần nghiên cứu trước vào giữa tháng 3 phải có, tháng 4 các em ra trường là ký cam kết trước khi tốt nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý mới về thu hồi nợ.