Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động ‘’Hai không’’

08:07, 02/01/2008

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Duy Vỵ, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung được tổ chức ngày 2-1 tại Trường THPT Định Hoá với sự tham gia của lãnh đạo, chủ tịch công đoàn các phòng giáo dục, các trường THPT trong toàn tỉnh.

Tại hội nghị, ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đánh giá lại kết quả thực hiện cuộc vận động “Hai không” thực hiện từ năm học 2006-2007 và năm học 2007-2008 có thêm 2 nội dung “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”, ngành đã chỉ đạo các trường tổ chức quán triệt tới toàn thể giáo viên, học sinh, mở các đợt sinh hoạt chính trị, toạ đàm về nội dung này, đồng thời cho giáo viên ký cam kết thực hiện. Mặt khác, gắn cuộc vận động “Hai không” với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các nhà trường gắn với thanh tra toàn diện đối với giáo viên. 100% các nhà trường tổ chức kiểm tra, khảo sát học sinh ngay từ đầu năm học, từ đó phân loại, có biện pháp giáo dục cụ thể. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng... tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý, ngăn chặn các vụ việc xảy ra còn chưa triệt để. Một số vụ việc xảy ra các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh nhưng các đơn vị không chủ động báo cáo cho ngành, số lượng học sinh bỏ học chưa khắc phục được triệt để. Hiện ở các cấp học số học sinh bỏ học trong năm học 2007-2008 là trên 1000 em.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số khó khăn trong thực hiện cuộc vận động “Hai không” như: Nếu đánh giá nghiêm túc, học sinh không đủ điều kiện lên lớp cho ở lại lớp cũ, số học sinh này bỏ học nhiều; một số giáo viên đánh giá chưa đúng, vẫn nặng về thành tích... Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm học, các nhà trường cần đánh giá lại việc thực hiện cuộc vận động “hai không”, trọng tâm là tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo để mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.