Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, ngày hôm qua (9-1) tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2008 của các đơn vị trực thuộc bộ. Thêm một lần nữa, tăng học phí lại trở thành vấn đề nóng.
Theo ông Trần Văn Ninh, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), bức tranh tài chính của ngành giáo dục hiện nay vẫn chưa có thay đổi lớn, thậm chí đầu tư còn có mặt giảm so với trước. Như vậy làm sao có chất lượng tốt được? Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, gay gắt nói rằng Bộ GD-ĐT chính là bộ bao cấp nặng nề nhất. Với nguồn ngân sách như thế này, nếu không cẩn thận sẽ mất dần nguồn nhân lực. Cần phải tạo ra nguồn thu hợp lý và chính đáng, cần có cuộc cách mạng về nguồn thu.
Ông Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Nẵng, cho biết: ĐH Đà Nẵng dành đến 80% học phí của sinh viên chính quy cho việc chi lương và học bổng... Mỗi năm, các giảng viên của trường có khoảng 250.000 tiết giảng vượt giờ, nếu lấy từ học phí chính quy sang thì mỗi tiết dạy chỉ được trả khoảng 4.000 đồng, một con số mà nếu nhắc đến sẽ làm buồn lòng hết thảy những người đi dạy.
Trước những bức xúc của lãnh đạo các trường, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sau khi thực hiện việc cho sinh viên vay tiền đi học, sẽ tính đến việc tăng học phí. Bốn tháng qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 2.000 tỉ đồng, dự kiến sau 8 năm, quỹ xoay vòng cho vay này sẽ vào khoảng 25.000 tỉ đồng.
Ở lần tăng này, học phí bậc ĐH sẽ tiến tới bảo đảm chi phí thường xuyên, có nghĩa là không thể ở mức 200.000 đồng/tháng mà phải là 400.000 đồng/tháng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh học phí mới được xây dựng trên quan điểm: Trường chất lượng cao được thu tiền cao. Song song với việc tăng học phí, bộ cũng sẽ tiến hành kiểm định chất lượng để phân loại các trường. Bộ GD-ĐT rất khuyến khích các trường vươn lên chất lượng cao để có thể thu học phí ở mức tương xứng.