Khi trẻ hách dịch với người giúp việc

13:48, 13/01/2008

"Bà là người ở cho nhà tôi, cứ đi cọ toilet thôi chứ biết gì mà bảo ban tôi chuyện học hành?". Bà giúp việc tái người khi nghe Trung nói với giọng lạnh băng. Cậu học sinh lớp 6 phẫn nộ vì bà nhắc đã đến giờ học bài.

Ông Phương, một giáo viên về hưu sống ở khu Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) rất tự hào về Trung, cậu cháu ngoại khôi ngô, học giỏi và có nhiều năng khiếu nghệ thuật giống mình. Nhưng gần đây, ông lo lắng cho sự phát triển tính cách của cháu khi thấy cách Trung cư xử với người giúp việc. Dịp cuối tuần vừa rồi, sang chơi với cháu, ông gặp đúng lúc Trung đang "nhắc cho bà ấy nhớ ra vị trí của mình", theo cách nói của cậu bé.
Bị ông ngoại phê bình, Trung đỏ mặt tía tai: "Cháu học một loáng là xong. Bà ấy cộng trừ nhân chia chưa chắc đã thạo, thế cũng dám nhắc cháu".

Bà Hoan thì tâm sự: "Mẹ Trung vẫn nhờ tôi để ý nhắc nhở cháu học hành. Cô chú ấy đều rất tôn trọng tôi, nhưng cậu con trai thì...".

Còn ở nhà anh Dương (Xuân Đỉnh, Hà Nội), bà giúp việc cũng bị hai đứa trẻ tỏ ra khinh thường, nhưng người lớn không ai phản đối. Cô con gái 11 tuổi hễ thấy bà ngồi rỗi là lập tức nghĩ ra việc để sai bảo. "Bác lau nhà chưa? Chưa à? Thì làm đi. Lương bác tháng hơn triệu, cao hơn khối người có học đấy".

Hai chị em đều nói trống không với bà giúp việc và thường quát lên khi có việc gì không đúng ý: "Ai bảo bác cho cái váy ấy vào máy giặt hả? Hỏng hết rồi, giời ơi sao dốt thế không biết!".

Vợ chồng anh Dương không bao giờ trách con vì chính họ cũng thường xuyên quát mắng chê bai người giúp việc trước mặt bọn trẻ. Họ luôn nhắc bà rằng với trình độ văn hóa của bà thì không ai được trả lương cao như vậy.

Ở một số gia đình, đứa trẻ mới ở tuổi mẫu giáo đã hỗn với người giúp việc. Bé Bim nhà anh Thể (Nghĩa Tân, Hà Nội) là một ví dụ. Nhiều lần anh thấy bé cao giọng: "Bà chậm chạp quá đấy nhá" hay "Cháu bảo thì bà phải làm chứ".

Anh Thể đang lo lắng vì sợ con gái mình sẽ hư: "Nhiều lần vợ tôi nổi nóng quát bà giúp việc trước mặt con, chắc vì vậy mà cháu bắt chước".

Tình trạng trẻ hách dịch, hỗn với người giúp việc khá phổ biến ở nhiều gia đình. Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên, trong nhiều trường hợp, điều này bắt nguồn từ cách cư xử của phụ huynh. Nếu như bố mẹ luôn tỏ rõ quan điểm rằng người giúp việc là đầy tớ, là tầng lớp dưới thì con cái rất dễ bị ảnh hưởng, cũng coi thường họ.

Tuy nhiên, ở nhiều gia đình, bố mẹ vẫn đối xử trân trọng, đúng mực với người giúp việc nhưng con cái, thường là trẻ lớn, vẫn xem thường họ ra mặt. Thái độ này hình thành qua những trải nghiệm của bản thân hay quan sát xung quanh: Trẻ thấy người giúp việc phải làm theo yêu cầu của mọi người trong gia đình, ở những nhà khác người giúp việc cũng bị cư xử thiếu tôn trọng...

Thái độ hách dịch, hỗn hào cũng có thể hình thành ở trẻ nhỏ, bởi ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng "bắt nạt" những ai có thể và rất nhạy cảm trong việc nhận ra ai hay làm theo ý mình. Từ chỗ làm nhõng nhẽo với bảo mẫu, trẻ có thể dần dần lấn lướt, ra lệnh... nếu bố mẹ không can thiệp. Điều này càng dễ xảy ra nếu bố mẹ tỏ vẻ "ông bà chủ" trước mặt con.

Tiến sĩ Hồng Hà cho rằng, thái độ trên của trẻ không những ảnh hưởng đến quan hệ với người giúp việc mà lâu ngày còn gây hại cho sự phát triển tính cách, đạo đức trẻ. Ở các cháu sẽ hình thành quan điểm phân biệt đẳng cấp, ngạo mạn, khinh người, coi thường lao động chân tay, thiếu khả năng nhận ra giá trị đạo đức của con người nếu họ không thuộc tầng lớp với mình...

Để điều đó không xảy ra, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong cách cư xử với người giúp việc. Làm thế nào để vẫn có thể nhắc nhở người giúp việc làm tốt nhiệm vụ của họ mà vẫn không ảnh hưởng đến cái nhìn của con cái là một điều khó, đòi hỏi sự tế nhị. Bà Hồng Hà đưa ra một số gợi ý sau:
- Cố gắng không quát mắng, nói năng thiếu tôn trọng với người giúp việc. Khi góp ý, nên bình tĩnh, lịch sự, ngôn từ đúng mực. Trường hợp cảm thấy khó kiềm chế, nên tránh để trẻ chứng kiến.

- Nếu có thể, nên tạo ra cảm giác người giúp việc cũng gần như là một thành viên trong gia đình, có nhiệm vụ riêng.

- Yêu cầu trẻ tự làm một số việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân của mình như gấp chăn màn, tự lấy nước để uống... và giao ước rõ ràng trước cả gia đình.

- Với trẻ nhỏ, ngoài việc tỏ thái độ khi trẻ có dấu hiệu hỗn, có thể dặn bảo mẫu không nên quá chiều trẻ.

- Gợi sự thông cảm, tôn trọng của trẻ với người giúp việc: Có thể kể rằng nhà bác khó khăn lắm, phải đi làm để con bác cũng được ăn học như con. Những câu chuyện như vậy giúp trẻ hiểu rằng người giúp việc cũng có những tình cảm, phẩm chất đạo đức như những người lớn khác.

Điều chính yếu là bản thân phụ huynh phải làm gương cho con trong cách đối xử với người giúp việc, bởi trẻ rất nhạy cảm, dễ nhận ra thái độ của bố mẹ trong từng hành vi nhỏ. Và khi thấy con có dấu hiệu hách dịch, khinh người, nên kịp thời uốn nắn và xem lại cách cư xử của mình.