Năm học 2007-2008, ngành GD- ĐT tiếp tục triển khai cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp.
Trong cuộc giao ban vùng tháng 10-2007, lãnh đạo Bộ GD- ĐT đã chỉ đạo giám đốc các Sở GD- ĐT tập trung triển khai 4 nội dung của cuộc vận động, đặc biệt không để tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo tiếp tục xảy ra. Tuy vậy, từ đầu năm học 2007- 2008 đến nay, trên toàn quốc đã có trên 10 vụ việc giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm đến thân thể, sức khoẻ, tinh thần của học sinh, gây hậu quả nghiêm trọng. Ở địa bàn Thái Nguyên cũng có những chuyện “động trời” liên quan đến đạo đức của nhà giáo, đó là ở huyện Phổ Yên cô giáo vi phạm pháp luật nghiêm trọng; ở địa bàn T.P Thái Nguyên một kế toán trường tiểu học đánh học sinh...
Cách đây mấy năm, người dân huyện Định Hoá đã chứng kiến một câu chuyện hết sức đau lòng. Chỉ vì nghi học sinh lấy tiền, cô giáo đã dùng hình phạt, miệt thị học sinh trước bạn bè. Quá uất ức, học sinh này đã tự tử. Trước lúc quyết định vĩnh biệt cuộc đời, em đã để lại bức thư, trong đó nói rõ rằng mình không hề lấy tiền của cô giáo. Nhưng vì cô cứ đổ diệt cho, bị bạn bè lên án, không chơi cùng.... em nghĩ chỉ có thể lấy cái chết mới chứng minh cho sự trong sạch của mình. Còn một trường hợp khác ở huyện Phú Bình, vì nghi học sinh lấy tiền, cô giáo bắt học sinh này chui đầu qua chấn song cửa sổ của lớp, khiến em đau đầu cả tuần lễ. Hay như gần đây, ở một trường tiểu học thuộc T.P Thái Nguyên, chỉ vì một lỗi rất nhỏ của học sinh là không giở đúng trang sách cô giáo yêu cầu mà đã bị cô giáo tát chảy máu tai, phải đưa tới cơ sở y tế...
Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ lại thấy đau lòng trước sự suy thoái về đạo đức của người thầy. Tại sao vẫn còn những thầy, cô sử dụng những biện pháp “tiêu cực” vào trong nhà trường. Tuy những vụ việc trên chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những người thầy, làm hoen ố truyền thống tôn sư trọng đạo mà toàn xã hội dành cho những “người lái con đò tri thức”. Phải chăng, phạm trù đạo đức của người thầy chỉ đặt trong phạm vi ứng xử với học trò? Theo chúng tôi nếu hiểu như vậy là phiến diện. Phạm trù đạo đức của người thầy phải là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có lối sống và phong cách ứng xử chuẩn mực.
Nhưng hiện nay, trong ngành giáo dục đang có một mâu thuẫn nảy sinh, đó là: Số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ ngày một tăng nhưng chất lượng giáo dục thì dường như có chiều xa sút. Thậm chí, có học sinh lớp 6 mà chưa đọc thông, viết thạo, cũng như làm những bài toán cộng, trừ đơn giản. Do vậy, vẫn còn tình trạng sáng học lớp 3, chiều học lớp 1. Vì sao tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan? Ngoài nhu cầu của một bộ phận học sinh, còn có một nguyên nhân rất sâu xa đó là trên lớp giáo viên không giảng hết kiến thức vốn có của một bài giảng phần do thiếu thời gian, phần do ý thức chủ quan của một số giáo viên. Muốn học tốt hơn, mở rộng thêm kiến thức thì đến nhà cô, thầy học thêm! Như vậy, không chỉ là những vi phạm đối với học trò, mà những giáo viên thiếu lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm trong việc giảng dạy cũng là vi phạm đạo đức nhà giáo.
Tại cuộc giao ban của ngành GD-ĐT tỉnh tổ chức đầu tháng 1 vừa qua, đồng chí Hạc Thị Tỵ, Trưởng phòng GD- ĐT huyện Võ Nhai thẳng thắn: “Vẫn còn không ít giáo viên vẫn nặng về bệnh thành tích. Chúng tôi kiểm tra một lớp học nọ có 25 học sinh, cô giáo đánh giá chất lượng có 17 em đạt học lực khá, giỏi. Nhưng khi kiểm tra khảo sát toàn diện 7 học sinh xếp học lực giỏi thì chỉ có 5 em đạt, 1 em học lực khá và 1 em xếp loại trung bình”. Vậy những giáo viên kể trên xét về l¬ương tâm, đạo đức nghề nghiệp có vi phạm?
Ngày 1-11-2007, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có Nghị quyết về việc triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” trong ngành từ nay đến năm 2012. Nhằm tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cuộc vận “Hai không”, chấm dứt những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, ngày 21-12-2007, Bộ GD- ĐT có Chỉ thị số 8077 về tập trung kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm đạo đức nhà giáo. Theo đó, đối với những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra từ đầu năm học 2007-2008 đến nay, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo thanh tra sở, phòng GD- ĐT, hiệu trưởng nhà trường và các đơn vị chức năng phối hợp cùng cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những biện pháp xử lý đối với nhà giáo có vi phạm. Kịp thời phát hiện, khen thưởng những nhà giáo hết lòng yêu thương học sinh, tận tuỵ giảng dạy, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.
Từ học kỳ II năm học 2007-2008, các trường học và cơ sở giáo dục còn để xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tinh thần của người học, bớt xén tiền ăn của ng¬ười... thì hiệu trưởng phải tự đề xuất hình thức kỷ luật đối với bản thân, báo cáo cấp quản lý trực tiếp và giám đốc sở, tuỳ theo mức độ sai phạm có thể bị cách chức, buộc thôi việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Chừng nào, mỗi thầy cô giáo coi công việc, nghề nghiệp là máu thịt của mình, làm một việc gì không đúng với lương tâm, tự cảm thấy xấu hổ trước đồng nghiệp, học trò, phụ huynh học sinh thì chừng đó những hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo mới hạn chế. Ai đó đã từng nói “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ”, để những thế hệ tương lai phát triển toàn diện, vai trò của những người thầy vô cùng quan trọng. Những tâm hồn thơ ngây luôn coi các thầy cô là chuẩn mực để học tập, phấn đấu. Vậy thầy cô phải làm gì để trở thành những tấm gương sáng, xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt.