Học phí ĐH đang "liệu cơm gắp mắm". Cần phải tăng học phí để giải quyết nhu cầu chất lượng. Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ được bao nhiêu, phần còn lại giao cho các trường tự cân đối đưa ra mức đóng hợp lý cho người học.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT về học phí mới bậc ĐH, CĐ được tính theo nguyên tắc: chi phí đào tạo cho từng ngành nghề + khả năng ngân sách Nhà nước + tài trợ của doanh nghiệp, xã hội, còn lại SV sẽ phải đóng.
Với quan điểm, học phí mới được điều chỉnh theo hướng tăng thì người học sẽ nhận được chất lượng tương ứng. Đóng nhiều tiền hơn, người học cũng sẽ có ý thức học hành tốt hơn, để ra trường sớm có việc làm.
Học phí mới sẽ được xác định theo từng nhóm ngành nghề thay vì đánh đồng tất cả như hiện nay. Đồng thời, các cơ sở đào tạo sẽ đảm bảo được nguồn thu, tăng cường nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sự cạnh tranh hợp lý; từ đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.
Liệu cơm gắp mắm
Hiện nay, mức đóng học phí ở hầu hết các trường ĐH đều đã áp dụng đến mức kịch trần theo quy định của Nhà nước là 180.000 đồng/SV/tháng. Theo quy định, ngoài khoản học phí này, các trường không được phép thu thêm bất cứ khoản "lắt nhắt" nào. Do đó, chi phí hoạt động của các nhà trường đều vận hành theo kiểu "liệu cơm gắp mắm".
Trường ĐH Kinh tế quốc dân (KTQD) có quy mô đào tạo 45.000 SV các hệ, trong đó 12.000 SV chính quy với 34 chuyên ngành của 8 ngành học, cũng đang hoạt động theo kiểu "có bao nhiêu dùng bấy nhiêu".
Ông Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng cho biết, quy mô đào tạo lớn, nhưng học phí lại bị khống chế. Nhà nước tăng lương nhà trường gánh cả và ngân sách vẫn chỉ có từng ấy. Chưa kể, trong số SV chính quy có đến 1/4 thuộc diện chính sách xã hội được miễn giảm học phí. Nghĩa là 1/4 số lớp nhà trường chỉ làm nhiệm vụ xã hội.
Từ đây, ông Nghĩa đưa ra bốn vấn đề cần làm "sáng tỏ" đối với tài chính cũng như học phí mới. Đó là, muốn đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo ĐH cần có một chính sách, chiến lược về tài chính mà trong đó học phí chỉ là một vấn đề.
Gắn vấn đề học phí với học bổng là việc cần giải quyết sớm. Hiện nay, hai chính sách này đang tách riêng, khiến các trường rất khó khăn. Quy định mới nhất của Nhà nước, mức sàn thấp nhất của học bổng phải bằng mức trần của học phí. Trường cấp học bổng cho SV theo mức: thấp nhất là 180.000 đồng và cao nhất là 300.000 đồng/tháng. Vậy, mức tăng học bổng đó, các trường lấy đâu để cấp cho SV? Do đó, học bổng phải đặt trong khuôn khổ học phí.
Một vấn đề nữa là, giải quyết các chính sách xã hội. Đối tượng thuộc diện chính sách xã hội cần trả trực tiếp cho người sử dụng chính sách ấy, không nên thông qua các cơ sở đào tạo. Ví dụ, SV người dân tộc, con thương binh được hưởng 300 nghìn đồng/tháng. Nếu vào học trường chất lượng cao, học phí 500 nghìn đồng/tháng, SV đó sẽ phải trả thêm 200 nghìn đồng. Trường hợp học trường bình thường, học phí chỉ 200 nghìn đồng, SV đó được hưởng phần còn lại.
Hiện nay, chính sách này không công bằng. Cũng là con thương binh nhưng vào học trường chất lượng cao được ưu đãi hơn rất nhiều so với những SV học ở trường bình thường. Do đó, việc giải quyết chính sách này, Nhà nước phải làm và người được hưởng chính sách tham gia vào cơ sở đào tạo nào phải theo đúng quy định của nơi đó.
Trường ĐH KTQD đã áp dụng việc này ở lớp học theo chương trình tiên tiến (hiện học phí là 1,2 triệu đồng/tháng). Nghĩa là, ngoài mức miễn giảm được trừ, phần còn lại SV tham gia học phải đóng thêm tiền học phí.
Điểm cuối cùng ông Nghĩa nhấn mạnh, là chính sách học phí phải gắn với sứ mạng các trường ÐH. Cụ thể, các trường phải đào tạo những ngành xã hội cần nhưng ít người muốn vào như nông nghiệp... Trường công không thể bỏ xứ mệnh đó được. Chính sách học phí cần khuyến khích những trường đào tạo ngành Nhà nước cần nhưng người học chưa cần.
Đồng quan điểm với ông Nghĩa trong việc tách chế độ chính sách xã hội, ông Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cũng có những bức xúc. Năm học vừa qua, trong tổng số hơn 5.300 SV chính quy học tại Hà Nội thì có đến 790 SV được miễn hoàn toàn học phí theo đúng chế độ của Nhà nước. Hệ cử tuyển có 187 SV học 5 năm không thu học phí, ngoài ra còn có 216 SV được miễn 50%.
Tính tổng thể, hàng năm "thất thu" từ những đối tượng này chiếm đến 20% học phí, khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi thường xuyên cho đào tạo được lấy từ các nguồn: 65% ngân sách Nhà nước, 20% học phí và 15% từ tư vấn và các dịch vụ có thu.
Ông Dương Văn Bá, Trưởng phòng Công tác Chính trị nhà trường đề xuất, SV các hệ đều phải nộp học phí như nhau, nếu hỗ trợ thì Nhà nước cấp cho địa phương để tạo công bằng và các trường có kinh phí đào tạo.
"Đối với các trường đào tạo thu hút lượng con em nông thôn đông thì học phí thu được không nhiều, thêm vào đó đối tượng con em diện chính sách cũng nhiều. Lẽ ra, Nhà nước phải tính đủ, để cấp bù học phí đó mới tạo được sự công bằng với nhà trường", bà Lê Thị Nga, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Trường ĐH Thủy lợi kiến nghị.
Có khung rộng để các trường đề xuất
Để tính toán ra mức học phí cần phải dựa vào 3 nguồn lực: Nhà nước, SV và dịch vụ nghiên cứu khoa học. Hiện nay, để cho ra con số, các trường phải căn cứ vào mức Nhà nước cấp kinh phí cho mỗi SV bao nhiêu, đồng thời đưa ra khung khống chế rộng. Trên cơ sở đó và dựa vào mục tiêu đào tạo, các trường sẽ cân đối và chủ động đề xuất mức học phí cho mỗi ngành học.
Trường ĐH Thủy lợi thuộc khối kỹ thuật, phải đầu tư nhiều cho các phòng thí nghiệm, địa điểm thực hành... SV lại học hành vất vả hơn các trường khối kinh tế. Hơn nữa, ra trường SV thường phải đi vùng sâu, vùng xa là chủ yếu. Do đó, tính học phí rất khó, nếu cao quá SV không thi vào, thấp quá thì không đảm bảo chất lượng, ông Quý băn khoăn.
Hiện nay, hàng năm Nhà nước cấp cho mỗi SV ĐH Thủy lợi 5,9 triệu trong chỉ tiêu giao cho trường. Tính chi phí theo mức đào tạo là gần 8 triệu đồng/SV/năm. Mức chi phí này không đủ để trang bị các thiết bị cho phòng học, thực hành, thí nghiệm... Học phí đóng nhiều hơn sẽ trang bị được nhiều. Ví dụ, tính toán đầu tư cho các khoản này phải mất 16 tỷ mới đáp ứng được, nhưng chỉ có 8 tỷ thì không thể đầy đủ ngay. Do đó, nếu không đủ kinh phí SV sẽ phải học lý thuyết nhiều hơn.
Ông Quý kiến nghị: "Khi xác định đầu tư, Nhà nước cũng nên chú ý đến đặc thù của các trường. Nếu để các trường kỹ thuật đóng học phí cao so với mặt bằng thì SV không vào trường nữa, là mất cân đối cho Nhà nước". Nhà trường sẽ cân đối các khoản thu chi và dựa trên cơ sở mỗi ngành học (cả lớp tài năng, lớp chương trình tiên tiến...) để định ra mức học phí. Thậm chí, theo ông Quý, sẽ có những ngành học chỉ nhà nước cần thì không những thu học phí thấp mà còn phải cấp học bổng để khuyến khích SV vào học.
Bà Nga cho rằng, thực tế, đa số doanh nghiệp tư nhân không cần kỹ sư thủy lợi. Còn nếu là cử nhân kinh tế thì khác hẳn. Chính đặc thù đầu ra dễ tiếp nhận, nên người ta sẵn sàng bỏ chi phí lớn để có việc làm.
Quan điểm của lãnh đạo một số trường ĐH là, việc đưa ra khung học phí không thể để "kệ" các trường mà nhất thiết phải có khung của Nhà nước.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đang xây dựng theo mô hình trường ĐH nghiên cứu. Quy mô đào tạo ĐH sẽ không cao mà chủ yếu tập trung vào đào tạo sau ĐH. Chính vì vậy, cơ cấu và trình độ đào tạo của trường sẽ phải dần thay đổi để đáp ứng mục tiêu.
Hiện nay, trường có 20 ngành với quy mô gần 10 nghìn SV các hệ, trong đó có 4.500 SV chính quy. Trong các chuyên ngành đào tạo có 47 đào tạo thạc sĩ, 54 đào tạo tiến sĩ và khoảng 60 đào tạo cử nhân.
Khác với các trường thuộc lĩnh vực xã hội, trường khoa học tự nhiên có số giờ thực hành lớn và phải chia nhóm (15-20 SV/nhóm). Một nhóm thực hành phải đảm bảo có 2 thầy hướng dẫn, do đó chi phí đào tạo cũng lớn hơn. Nếu chia kinh phí thì khối các ngành tự nhiên là hệ số 1,5, các ngành kinh tế, ngành xã hội là hệ số 1.
Bất cập trong học phí hiện nay là thấp và khung không thay đổi, quy định về sử dụng học phí khiến các cơ sở khó khăn hơn, ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Đồng quan điểm với Trường ĐH KTQD và ĐH Thủy lợi, ông Cam lưu ý, Nhà nước lưu tâm đến các ngành đào tạo hiện nay xã hội không cần nhưng không thể bỏ như khoa học vật liệu, khoa học hạt nhân...
Từ đây, ông Cam kiến nghị, học phí mới phải tính theo đặc thù của từng ngành. Nhà nước nên đầu tư 75% kinh phí, còn học phí chiếm 25% tương tự cách đầu tư như ở một số nước châu Á. Nên cho một khung học phí rộng, để các trường dựa vào đó xây dựng mức học phí mới của mình.
"Không tăng học phí không thể nói chuyện đẳng cấp. Kể cả những nước phát triển, học phí rất cao nhưng không ai lấy tiền từ bố mẹ mà phải vay của Nhà nước", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Học phí không chỉ đơn thuần là nguồn lực của trường mà còn là trách nhiệm của người đi học. Học phí mới phải đảm bảo để con em nông dân nghèo vẫn được đi học. Chính sách tín dụng SV đang vận hành khá tốt, là tiền đề thuận lợi để người học có thể vay trước trả sau để được học với chất lượng tốt nhất.
Để tìm được mức học phí phù hợp đòi hỏi các trường phải cân nhắc, tính toán trên cơ sở thực tế. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thấu đáo để ban hành một khung học phí đủ rộng và có cơ chế giám sát Nhà nước để đảm bảo tính công khai minh bạch.