Thông báo của Công an TP Hà Nội về những SV tham gia đường dây thi thuê gửi đến ĐH Bách khoa vào đúng ngày 28 Tết. Tết ra cũng là lúc những SV này không bao giờ được đặt chân đến cổng giảng đường...
Sau gần 2 năm hoạt động, Quýnh đã lôi kéo được nhiều sinh viên khác thành “đồng đảng” của mình, lập thành “đường dây” thi thuê. Mỗi “phi vụ” trót lọt, Quýnh được khoảng 4 triệu, mỗi sinh viên thi thuê được trả khoảng 2-3 triệu đồng.
Để khởi động công việc kinh doanh, Quýnh đã in tờ rơi quảng cáo việc tổ chức các lớp luyện thi vào đại học tại chức của một số trường danh tiếng như ĐH Kiến trúc, Thủy lợi, Kinh tế quốc dân... Tất nhiên, kèm với đó là lời đảm bảo học sinh sẽ đỗ 100% và… an toàn tuyệt đối!
Có rao là có “mối”, Quýnh đứng ra tổ chức các cặp sinh viên với tên giả thi hộ, thi kèm. Mỗi khách hàng phải trả 7 triệu đồng tiền chi phí thi hộ 3 môn thi. Sinh viên thi hộ được nhận từ 2-3 triệu, phần còn lại là dành cho “ông chủ”.
“Sự nghiệp kinh doanh” của Quýnh đã kết thúc vào trung tuần tháng 6/2007. “Phi vụ” diễn ra vào ngày 16 và 17/6 tại trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng là “phi vụ” cuối cùng của Vũ Hoàng Quýnh khi Cơ quan An ninh điều tra cùng Phòng An ninh văn hóa tư tưởng (PA25) - Công an Hà Nội phát hiện Quýnh và Đặng Hồng Minh (cũng là sinh viên K47 ĐH Bách khoa) thi kèm cho 2 thí sinh khác dưới tên giả là Nguyễn Phú Thủy và Lê Đại Thắng.
Ngày 22/6/2007, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Hoàng Quýnh về hai tội danh “sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và tài liệu của cơ quan tổ chức”, và “mua bán con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Trước cơ quan công an, Quýnh khai đã tổ chức thi hộ, thi kèm vào đại học tại chức trót lọt cho khoảng 50 trường hợp, thu trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, Quýnh đã lôi kéo 7 sinh viên của trường Đại học Bách khoa cùng tham gia đường dây.
Cụ thể, đó là các sinh viên Nguyễn Thanh Phương, Trần Nhật Trung, Trần Thanh Hữu cùng 4 thí sinh trong buổi thi ngày 3/6/2007 tại lớp tại chức của Học viện Tài chính đều là sinh viên K48, K49 trường ĐH Bách khoa.
Trao đổi với chúng tôi về “số phận” của những sinh viên này, cô Nguyễn Thị Diệu Vân, Phòng Công tác chính trị (trường ĐH Bách khoa) khẳng định: “Một số trong những sinh viên nói trên đã bị đuổi học rồi, còn lại một số đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đuổi học. Kỷ luật đào tạo của trường ĐH Bách khoa không cho phép nương tay với bất kỳ sinh viên nào tham dự thi hộ, thi thuê”.
“Liệu có sự cân nhắc rằng sinh viên tham gia thi thuê chỉ vì hoàn cảnh các em quá khó khăn và các em muốn kiếm thêm một chút để tiếp tục học tập?” - Trả lời câu hỏi này, cô Diệu Vân kiên quyết: “Cứ hoàn cảnh khó khăn là phạm pháp sao? Muốn là một sinh viên học tốt thì trước hết mỗi sinh viên phải là một công dân tốt”.