Thời gian nghỉ Tết, nghỉ rét của HS dài nhất lên đến 24 ngày. Sau đợt rét các địa phương sẽ khẩn trương khắc phục bằng cách dạy bù vào thứ 7, Chủ nhật và thời gian dự trữ của năm học, nếu cần có thể kéo dài đến đầu tháng 6.
Thưa ông, trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài trong thời gian vừa qua, HS các địa phương phía Bắc đã phải nghỉ đến gần cả tháng, điều này có làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ năm học. Ngành đã thống kê được thiệt hại về người và của?
Tính đến ngày 15/2, không có HS vì rét mà xảy ra sự cố mất an toàn.
Còn việc nghỉ dài trong đợt Tết và rét vừa qua, dù có nơi nghỉ đến gần 1 tháng nhưng cũng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ năm học.
Năm học này khác với các năm học trước. Từ tháng 7, khi ban hành nhiệm vụ năm học, Bộ đã giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương để quyết định thời gian năm học cho từng cấp học phù hợp.
Thời gian có thể bắt đầu năm học sớm nhất là 1/8/2007 và kết thúc muộn nhất vào 30/5/2008. Do đó, các địa phương có thể chủ động bố trí thời gian để nghỉ tránh rét, tránh lũ, nghỉ Tết dài, nghỉ lễ hội đối với HS miền núi...
Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, nhiều Sở đã kịp thời có công văn, công điện chỉ đạo trực tiếp phòng chống rét cho trẻ như Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định. Thậm chí, nhiều nơi đến nay HS vẫn đang nghỉ, một số nơi, số trẻ đi học chỉ chiếm 30-40%.
Đồng thời, Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng có chỉ đạo các địa phương theo dõi nhiệt độ ngoài trời, dưới 10 độ C cho HS nghỉ học.
Có tỉnh cho HS nghỉ khi nhiệt độ thấp hơn: Tuyên Quang 9 độ C và Lạng Sơn, Lào Cai dưới 7 độ C. Qua đó, các nhà trường và gia đình cùng phối hợp phòng chống rét cho HS.
Theo báo cáo của hơn 20 tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc miền Trung, chỉ có 2 trường THPT của huyện Sa Pa cho HS nghỉ 3 ngày (14-16/2) do nhiệt độ là 2 độ C, còn các tỉnh khác, HS THPT không phải nghỉ học.
Các tỉnh Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang phải cho HS THCS nghỉ rét khi nhiệt độ xuống dưới 5-7 độ C. Ngoài ra, một số huyện vùng cao cũng cho HS nghỉ khi nhiệt độ xuống thấp dưới mức quy định như ở Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng...
Thời gian nghỉ này không đột xuất do trước đó Bộ đã có chủ trương cho các địa phương tăng thời gian nghỉ Tết. Đợt Tết này lại trùng với đợt rét nên HS được nghỉ dài ngày.
Sau thời gian nghỉ dài, khi đi học lại chắc chắn sẽ có sự xáo trộn, thưa ông?
Chắc chắn sự xáo trộn là khó tránh khỏi. Cũng như nghỉ mấy tháng hè, khi đi học cũng phải mất một thời gian để ổn định nề nếp. Việc này giáo viên và các nhà trường phải chủ động nhắc nhở và củng cố lại nề nếp cho HS.
Chúng ta chưa có đủ các phương tiện để thông báo đến từng gia đình rằng trời rét quá, cho HS nghỉ học. Do đó, vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh đưa con đến trường và lại đưa về hoặc tự cho con nghỉ ở nhà nếu có người trông nom.
Thời gian nghỉ dài có thể dẫn đến việc cắt xén chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, Bộ có chỉ đạo như thế nào để khắc phục việc này?
Không có chuyện cắt xén. Trong kế hoạch năm học luôn để 2 tuần dự trữ, lúc này, các trường sẽ sử dụng để dạy bù. Trước đó, nhiều địa phương đã áp dụng đối với HS tiểu học là học sớm từ tháng 8 để cho nghỉ Tết 2 tuần như Lạng Sơn, Cao Bằng... Ngoài ra, vào các thứ 7, Chủ nhật đối với lớp học 1 buổi/ngày và vào buổi học thứ 2 đối với các lớp học 2 buổi/ngày cũng được sắp xếp để dạy bù.
Đối với HS trung học, quy định nghỉ rét là dưới 7 độ C và cũng chủ động kế hoạch dạy bù vào thời gian dự phòng và Chủ nhật. Nếu địa phương nào còn thiếu thời gian, có thể kéo dài năm học đến đầu tháng 6 (trừ lớp 12) để đảm bảo đủ chương trình cho HS.
Các trường THCS, THPT cần phải nắm vững tình hình gia đình HS, để huy động các em đi học đều, không để xảy ra tình trạng nghỉ học, bỏ học sau đợt rét.
Sau đợt rét đậm, Bộ sẽ tập hợp đầy đủ tình hình của các địa phương và hướng dẫn thực hiện theo đúng kế hoạch giáo dục năm học. Theo phân cấp quản lý từ Bộ xuống Sở, Phòng sẽ có biện pháp chỉ đạo các trường đảm bảo chương trình học tập. Nếu có phát sinh vượt ngoài khả năng của địa phương, Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào địa phương không chủ động được.
Xin cảm ơn ông!