Cô sinh viên khiếm thị giàu nghị lực

14:25, 25/03/2008

Trong tủ sách Những bông hoa đẹp của Thủ đô Hà Nội, mọi người chú ý đến tên một cô gái khiếm thị giàu nghị lực, đã đạt được những thành tích nổi bật. Cô là Ðào Thu Hương, sinh viên năm thứ hai, khoa Anh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Nuôi lớn ước mơ

Ðôi mắt bị tật từ nhỏ. Sáu tuổi cả gia đình hy vọng vào ca phẫu thuật ở Viện Mắt trung ương nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Ðến tuổi đi học, Hương vẫn cùng bạn bè cắp sách đến trường. Lên lớp bốn đôi mắt mờ dần. Hương không còn nhìn thấy rõ những gương mặt thân quen của gia đình, thầy cô, bạn bè. Khi ấy, Hương thấy hụt hẫng vô cùng. Không thể chạy nhảy cùng bạn bè như trước, Hương vẫn cố gắng để học với các bạn sáng mắt trên lớp, về nhà nhờ bố mẹ chép lại cách giải bài tập cho mình.

Dù luôn là học sinh giỏi của Trường tiểu học Quang Trung, cuối năm học lớp bốn, cô giáo khuyên gia đình nên chuyển Hương sang trường dành cho người khiếm thị, vì nếu cứ học cùng các bạn sáng mắt Hương sẽ khó tốt nghiệp tiểu học.

Ban đầu, Hương rất sợ khi phải sống trong một tập thể toàn người khiếm thị, thầm lo ước mơ trở thành cô giáo không thành hiện thực. Hương đã mất ba năm để chuyển từ cách học bằng mắt sang học bằng tay và bằng miệng ở Trường Nguyễn Ðình Chiểu. Thế rồi, ngôi trường thân yêu đó đã trang bị cho Hương những kiến thức và kỹ năng sống để hòa nhập và nuôi lớn ước mơ của mình. Những khó khăn trong việc học chữ nổi có khi làm đau nhức cả bàn tay nhưng Hương luôn cố gắng để vượt qua.

Trong học tập, Hương không ngừng cố gắng để đạt được thành tích cao nhất. Mỗi ngày, cô trò nhỏ tự đặt ra những kế hoạch và cố gắng hoàn thành. Nhìn bảng thành tích khó ai có thể tin nổi những gì mà một cô bé khiếm thị đã làm được. 12 năm liền là học sinh giỏi. Năm học lớp năm, lớp chín, lớp 12, Ðào Thu Hương đều được đi dự Ðại hội tuyên dương học sinh giỏi Thủ đô và là một trong 20 học sinh giỏi của Thủ đô nhận bằng khen Người tốt việc tốt của Hội Người mù Việt Nam.

Hương vẽ nhiều bức tranh về cuộc sống muôn mầu theo trí tưởng tượng. Nhiều bức đã được đi dự các cuộc triển lãm tranh thiếu nhi. Nghe các anh chị trong trường đàn hát rất hay, cô yêu âm nhạc và học đàn. Không bao lâu sau, trở thành cây organ trong đội nhạc nhẹ của trường. Hương đổi tên cho tờ nội san của trường Nguyễn Ðình Chiểu là Hoa nắng để thể hiện ước mơ của người khiếm thị là luôn muốn nhìn thấy mầu nắng đẹp. Hương là thành viên tích cực trong ban biên tập, cùng các bạn chia sẻ những tâm sự, khát vọng, những hiểu biết khoa học, xã hội...

Cùng với cha mẹ luôn động viên và dõi theo từng bước tiến, các thầy cô giáo có ảnh hưởng rất nhiều đến những thành tích mà Hương đạt được. Thầy Nguyễn Ðình Thắng ở Trường Nguyễn Ðình Chiểu cũng bị khiếm thị. Thầy không trực tiếp dạy Hương môn nào mà chỉ là người quản lý khu nội trú, nhưng thầy giống như một người cha thứ hai, một cuốn từ điển sống giúp Hương có những định hướng trong cuộc đời. Hương rất tâm đắc một câu nói của thầy: "Trước đây xã hội coi người khiếm thị như nấc thang cuối cùng, thầy hy vọng những thế hệ sau phải thay đổi điều đó".

Tốt nghiệp cấp hai loại giỏi, không được nhận vào trường công lập. Hương xin học ở trường dân lập Lương Thế Vinh. Thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã mở một lối đi để Hương có thể chinh phục đỉnh cao tri thức cùng khát vọng không chịu đầu hàng số phận. Những môn học tự nhiên Hương trả bài bằng miệng. Với các môn xã hội, Hương trả bài bằng máy tính. Cô học sinh khiếm thị duy nhất trong lớp luôn dẫn đầu trong học tập để khẳng định mình.

Trên giảng đường đại học

Ước mơ trở thành cô giáo, cho nên từ nhỏ Hương hay lấy mấy con búp bê ra dạy học. Thấy Hương có năng khiếu học ngoại ngữ, lại biết cô trò nhỏ thích trở thành giáo viên, cô giáo dạy tiếng Anh miễn phí cho Hương mở lớp dạy thêm ở nhà, thỉnh thoảng bảo Hương đến dạy.

Tốt nghiệp THPT, mẹ giúp Hương đi xin thầy hiệu trưởng trường Sư phạm cho dự thi vào trường. Gia đình xin trả mọi chi phí để cô có phòng thi riêng, có giám thị riêng vì không ai chấp nhận một cô bé khiếm thị dự thi vào hệ chính quy như các bạn bình thường được. Nhìn bảng thành tích nổi bật của Hương, thầy hiệu trưởng trường Sư phạm nhận lời làm đơn gửi Bộ Giáo dục và Ðào tạo đặc cách nhận cô vào thẳng.

Với những cố gắng của mình, Hương trở thành cô sinh viên sư phạm theo đúng ước mơ bao ngày ấp ủ. Cô không chọn học Khoa Giáo dục đặc biệt mà chọn Khoa Sư phạm Tiếng Anh để sau này có một chuyên môn nhất định. Căn phòng nhỏ nằm trên tầng 4, nhà A6 ký túc xá Trường đại học Sư phạm Hà Nội là nơi Hương miệt mài học tập không kể ngày đêm.

Các bạn cùng phòng với Hương đều khâm phục sự chăm chỉ và những cố gắng của Hương trong học tập và cuộc sống. Kết thúc năm đầu tiên ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô gái khiếm thị duy nhất trong lớp đạt điểm tổng kết là 8,5 - cao nhất lớp. Hương luôn có tên trong danh sách khen thưởng của trường, khoa và khu nội trú.

Dù rất nhiều bài vở trên lớp, cuối tuần Hương vẫn dành một buổi để làm gia sư cho một em học trò Trường PTTH Lương Thế Vinh, tham gia vào Hội người mù quận Ðống Ða. Là cô dẫn chương trình duyên dáng trên sân khấu của hội trong các đêm văn nghệ hay quyên góp ủng hộ người khuyết tật.